10:05, 05/05/2020

Xã Cầu Bà: Nhân rộng mô hình nuôi dê

Thời gian qua, mô hình nuôi dê ở xã Cầu Bà (huyện Khánh Vĩnh) đã mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho hộ chăn nuôi. UBND xã đã xây dựng phương án phát triển mô hình này nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, mô hình nuôi dê ở xã Cầu Bà (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho hộ chăn nuôi. UBND xã đã xây dựng phương án phát triển mô hình này nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.


Là xã miền núi có điều kiện đất đai và lực lượng lao động khá dồi dào, tuy nhiên, những năm qua, các sản phẩm chất lượng cao từ ngành trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn xã Cầu Bà còn ít, chưa trở thành hàng hóa. Người dân trên địa bàn chủ yếu sử dụng đất để trồng keo với thời gian thu hoạch lâu, giá thị trường lại bấp bênh. Các chương trình, mô hình khác đã triển khai như: chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo đen, trồng chuối hay bưởi da xanh... đều không đem lại hiệu quả cao như mong đợi. Trong khi đó, điều kiện đất đai, khí hậu địa phương rất thuận lợi cho việc trồng cỏ và dược liệu làm thức ăn cho dê.

 

Mô hình chăn nuôi dê đang mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Hà Nghiệp.

Mô hình chăn nuôi dê đang mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Hà Nghiệp.


Theo lãnh đạo UBND xã Cầu Bà, do nhu cầu thịt dê tại các nhà hàng, quán ăn cũng như tại gia đình ngày càng tăng nên thị trường tiêu thụ thịt dê càng lớn, giá cả thịt dê và dê giống ổn định, người nuôi có lãi. Mặt khác, dê là loài động vật ăn tạp, ít bị ốm, sức đề kháng cao, chăn thả tự nhiên, thức ăn chủ yếu là cỏ và hoa lá ở rừng, nếu kết hợp trồng dược liệu cho dê ăn sẽ giảm chi phí. Chăn nuôi dê cũng không vất vả và tốn kém như các mô hình chăn nuôi khác.


Hiện tại, trên địa bàn xã có hộ ông Hà Nghiệp (thôn Đá Trung) đang chăn nuôi dê theo mô hình này. Ông Nghiệp cho biết, từ năm 2017, chỉ với 1 con dê cái giống bách thảo đang mang thai, đến nay, đàn dê của gia đình ông Nghiệp đã có 13 con. Vừa qua, gia đình đã bán được 4 con, mang lại thu nhập hơn 10 triệu đồng. UBND xã Cầu Bà đã tiến hành khảo sát hiệu quả kinh tế mô hình của gia đình ông Nghiệp, qua đó đánh giá mô hình chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ dân. Nếu hộ dân nuôi từ 2 con dê cái giống trở lên, với mức sinh trưởng hiện tại, mỗi năm sẽ cho khoảng 8 dê con với giá từ 120.000 đồng đến 140.000đồng/kg, ước đạt khoảng 24 triệu đồng/năm. Điều đó giải quyết khó khăn về lao động việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình, tiến đến thoát nghèo bền vững.


Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, việc triển khai phương án phát triển đàn dê sẽ giúp người dân thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống, chuyển sang mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung có giá trị kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao trình độ kỹ thuật cho người tham gia dự án. Nếu đầu tư giống và chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ giúp phòng trừ dịch bệnh, nâng cao thu nhập cho người dân.


Ông Lê Kim Sung - Chủ tịch UBND xã Cầu Bà cho biết, theo phương án do xã đề ra, sẽ có 12 hộ tham gia triển khai mô hình. Đối tượng tham gia thực hiện là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo các điều kiện: có lao động, có diện tích để làm chuồng trại, chí thú làm ăn và phải yêu thích mô hình đầu tư, đồng thời chưa được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ chuyển đổi cây trồng; có cam kết thực hiện chương trình nhằm đem lại hiệu quả cao nhất của dự án. Hình thức hỗ trợ bằng hiện vật. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 3 con dê giống, trong đó, cứ 4 hộ thì 3 hộ sẽ được hỗ trợ 3 dê cái, 1 hộ còn lại là 2 dê cái và 1 dê đực để lấy giống. Kinh phí triển khai là 18 triệu đồng/hộ, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, người dân đối ứng 3 triệu đồng để làm chuồng trại.


Cũng theo ông Sung, phương án đã được UBND huyện phê duyệt, hiện đang gửi Sở Tài chính xem xét giải quyết về việc sử dụng nguồn vốn. Sau khi phương án được các cấp, ngành chấp thuận và đồng ý chủ trương hỗ trợ kinh phí thực hiện, UBND xã sẽ thành lập 1 tổ hợp tác chăn nuôi dê, trong đó lựa chọn hộ có kinh nghiệm làm tổ trưởng; tiến hành thành lập Ban quản lý phương án phát triển đàn dê trên địa bàn xã Cầu Bà. Ban có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ các thành viên để triển khai thực hiện.


V.THÀNH