Ngày dân gian tiễn ông Táo về trời 23 tháng Chạp đã tới. Đây cũng là thời điểm người trồng chuối xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) sẵn sàng cắt chuối bán phục vụ Tết.
Ngày dân gian tiễn ông Táo về trời 23 tháng Chạp đã tới. Đây cũng là thời điểm người trồng chuối xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) sẵn sàng cắt chuối bán phục vụ Tết.
Diện tích giảm nhưng chất lượng tốt
Suối Cát vốn là địa phương nổi tiếng với đặc sản chuối mốc: trái căng tròn, bám “phấn mốc”, giữ mã vàng đẹp lâu ngày, mùi thơm, vị ngọt thanh... nên được nhiều người chuộng mua để bày trong ngày Tết. Đây cũng là nơi có chợ chuối Tết lớn nhất nhì khu vực. Chuối mốc Suối Cát bán dịp trước Tết Nguyên đán cao giá hơn hẳn ngày thường, có khi gấp 3 - 4 lần. Ông Lê Thành Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, vụ chuối Tết năm nay, toàn xã trồng khoảng 450ha, giảm so với năm trước (750ha). Diện tích giảm do cây chuối mốc không ưa trồng lại trên đất trồng chuối. Để tránh mầm bệnh lưu cữu, bà con phải canh tác trên vùng đất mới. Vì vậy, năm nay, diện tích chuối của xã tập trung chủ yếu ở vùng ven suối Đá Giăng, xã Khánh Thành Bắc - nơi năm trước trồng những loại cây khác.
Những ngày này, vườn chuối cấy mô ở Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao thường xuyên có thương lái tới thăm dò mua chuối. Vụ năm nay, trung tâm trồng khoảng 1ha chuối lấy mẫu, đều là chuối cấy mô, trong đó có 4 sào đầu dòng, 6 sào chuối thương phẩm với khoảng 2.000 gốc chuối, cung cấp vài trăm buồng cho thị trường Tết và 11.000 cây giống. Theo bà Cao Thị Trúc - Trưởng phòng Kỹ thuật của trung tâm, năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho cây chuối trồng ở vườn: đầu năm lượng mưa tương đối bảo đảm; khi cây lớn, trổ buồng thì nắng đều, không gặp bão, lại được tưới nước đều nên bộ rễ phát triển tốt, cây khỏe. Ông Lê Văn Lý, một trong những người chăm sóc vườn chuối của trung tâm cho biết, chuối trồng trên đồi ít thuận lợi hơn do nắng nhiều, không chủ động được nước tưới nên số cây ra buồng đúng dịp Tết không nhiều bằng chuối vườn, trái cũng nhỏ hơn nhưng số nải/buồng tương đối nhiều. Thuận lợi chung là cây chuối năm nay ít sâu bệnh nên buồng chuối trổ đều, vỏ trái sáng đẹp.
Giá tăng dần
Từ đầu tháng Chạp, người trồng chuối Suối Cát bắt đầu cắt bán chuối. Một số hộ bán theo đợt tùy vào độ già của chuối hoặc để phục vụ thị trường các tỉnh xa như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội… Nhưng đa số buồng chuối đẹp vẫn được nông dân “treo” trên cây, chờ sau 20 tháng Chạp mới đồng loạt cắt chuyển ra chợ Tết, bởi lúc đó, giá chuối sẽ tăng cao. Thông thường, giá chuối tăng mạnh từ ngày 20 tháng Chạp và hạ sau 27 tháng Chạp.
Bà Mang Thị Kim Phượng (thôn Suối Lau 1) cho biết, từ đầu tháng cho đến 12 tháng Chạp, hàng ngày, bà tỉa bán những buồng chuối già trái nhưng giá chỉ cầm chừng ở mức 150.000 đồng/buồng. Sau ngày 12 tháng Chạp, giá tăng lên 200.000 - 300.000 đồng/buồng 6 - 7 nải. Ông Mang Đẩn (thôn Suối Lau 2) tỏ ra tiếc rẻ, nhà ông trồng 1ha chuối nhưng bị sâu lửa nhiều nên ra buồng kém. Một số buồng có trái chín sớm nên giá giảm mạnh, từ 200.000 đến 500.000 đồng còn 70.000 - 150.000 đồng/buồng. Nếu buồng chuối có khoảng 5 - 7 nải và đẫy trái, đều màu xanh, thời điểm này, ông có thể bán với giá 350.000 - 500.000 đồng/buồng. Theo ông Lê Thành Huy, với cây chuối, đầu tư ở đất bằng khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha (2.000 cây), nếu cho buồng đúng dịp Tết thì có thể thu về 100 triệu đồng. Với giá chuối hiện tại, người trồng chuối Suối Cát đã có lãi.
Nhiều hộ trồng chuối đang hy vọng giá chuối sẽ tiếp tục tăng cao, để người dân có cái Tết đủ đầy.
MAI - TRÚC