Sau những cơn mưa, gió lạnh đầu mùa về cũng là lúc người dân các xã: Sơn Tân, Cam Tân, Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vào rừng tìm nấm mối. Nếu chịu khó tìm kiếm, mỗi người có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Sau những cơn mưa, gió lạnh đầu mùa về cũng là lúc người dân các xã: Sơn Tân, Cam Tân, Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vào rừng tìm nấm mối. Nếu chịu khó tìm kiếm, mỗi người có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Những ngày gần đây, trời se lạnh, nấm mối đầu mùa mọc nhiều nên mới 4 giờ, ông Nguyễn Bá Tùng (thôn Xuân Lập, xã Cam Tân) đã chuẩn bị dụng cụ để tìm nấm trong cánh rừng Va Ly (thôn Va Ly, xã Sơn Tân). Ông cho biết: “Qua nhiều năm đi rừng hái nấm, tôi nghiệm ra, sau những cơn mưa đầu mùa, thời tiết ẩm thấp, gió lạnh tràn về thì chắc chắn sẽ có nấm mối. Loại nấm này kỳ lạ lắm, thời gian phát triển rất ngắn. Nấm mọc từ trong đêm, đến khoảng 5 - 6 giờ thì bắt đầu mọc rộ, và chỉ trong 3 hoặc 4 giờ sau, nấm sẽ nở bung, mỗi năm chỉ mọc 3 - 4 đợt”.
Trong quá trình đi tìm nấm, ông Tùng còn chỉ dẫn chúng tôi rằng, loại nấm này “bắt” đèn cực kỳ, cứ thấy một vạt nấm phát sáng dưới ánh đèn pin thì đích thị là nấm mối. Rong ruổi khắp cánh rừng Va Ly nhưng chưa phát hiện được ổ nấm nào, ông Tùng bảo chúng tôi cùng men theo con suối để tìm. Ông lý giải, nấm mối chỉ mọc ở những nơi nào có con mối, năm nay trời hạn, mối sẽ làm ổ dọc theo suối do có độ ẩm, vì vậy muốn tìm được nấm mối phải tìm ở những khu vực ẩm ướt. Quả thực, vừa xuống đến lùm cây gai cạnh suối, chúng tôi đã bắt gặp một ổ nấm mối mọc khá dày. Trong ánh đèn pin, những cây nấm màu trắng phát sáng trông rất bắt mắt. Ông Tùng thu từng cây nấm, tính ra vạt nấm này ông hái được chừng 1kg. Cứ thế, chúng tôi căng mắt dõi theo từng lùm cây ven suối Va Ly. Đến hơn 10 giờ, ông Tùng quyết định quay về để kịp bán nấm. Tính ra, chúng tôi đã tìm được hơn 10 ổ nấm mối, bỏ đầy 1 bao tải nhỏ mang về, ước chừng 7 - 8kg nấm.
Trên đường về, chúng tôi bắt gặp những người tìm nấm ở các địa phương khác cũng rời khỏi rừng, người ít được 1 - 2kg, người nhiều 5 - 7kg. Ông Nguyễn Văn Khoa (thôn Lập Định, xã Cam Hòa) cho biết: “Nấm mối là đặc sản của người dân địa phương, ai cũng thích thưởng thức vị ngọt, thơm của nấm đầu mùa. Vì vậy, chúng tôi tìm nấm chủ yếu để ăn trong nhà, tặng người thân ở thành phố. Một số người cũng tranh thủ mùa nấm để kiếm thêm thu nhập, bởi giá bán nấm mối khá cao, 120.000 đồng/kg”.
Ghé Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tân (Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm), chúng tôi được nhân viên trạm chia sẻ, trên thị trường chủ yếu có nấm mối trắng thiên nhiên (chưa trồng được) và nấm mối đen (đã trồng được). Loại nấm mà người dân Sơn Tân và các xã lân cận tìm hái là nấm mối trắng thiên nhiên, được hình thành từ nước bọt của con mối, mùa mưa xuống kết hợp với gió lạnh tạo thành một loại meo, từ đó sinh ra nấm mối. Loại nấm này có giá trị dinh dưỡng, giá bán cao nên đã có một số người nghiên cứu trồng nhưng đến nay vẫn chưa thành công, vì vậy nấm mối trắng chỉ có trong tự nhiên.
Bà Thương - người thu mua nấm ở Sơn Tân cho biết, nấm được thu mua đến đâu người ta gọi điện đặt mua hết đến đó. Mùa nấm năm nay đến muộn, sản lượng thu được không nhiều nên giá thành cao hơn trước đây, khoảng 150.000 đồng/kg. Hỏi chuyện bà Thương nguyên nhân vì sao năm nay nấm ít, bà lý giải, trước đây, ven bìa rừng, sau lưng nhà, trên rẫy có rất nhiều nấm mối, nhưng bây giờ rất ít bởi môi trường tự nhiên bị tác động. Nhiều người đào bắt mối chúa để ngâm rượu, mối chúa chết rồi thì tổ mối ấy cũng không còn; việc sử dụng thuốc hóa học trong quá trình sản xuất nông nghiệp đã diệt luôn cả con mối. Vì vậy, sản lượng nấm mối thu hái được ngày càng giảm.
HẢI LĂNG