Hiện nay, các cơ sở sản xuất rượu thủ công chiếm số lượng lớn nhưng phần lớn không thực hiện đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, Bộ Công Thương lại chưa có hướng dẫn quản lý đối với các cơ sở này, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất rượu thủ công chiếm số lượng lớn nhưng phần lớn không thực hiện đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, Bộ Công Thương lại chưa có hướng dẫn quản lý đối với các cơ sở này, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Có chuyển biến
Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2018, sở đã cấp 1 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 1 giấy phép bán buôn rượu. Phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố cấp 78 giấy phép bán lẻ rượu, 49 giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ theo quy định tại Nghị định số 105/2017 của Chính phủ. Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở rượu thủ công, nhỏ lẻ ở các huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2017, các cơ quan quản lý của ngành Công Thương đã chủ trì, phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với 208 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Trong đó, 42 cơ sở tuân thủ theo quy định và 166 cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP, đã nhắc nhở 138 cơ sở (các hộ sản xuất rượu thủ công tự phát, không đăng ký kinh doanh), xử phạt 28 cơ sở với tổng số tiền 103,65 triệu đồng. Năm 2018, ngành Công Thương tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2018, cục đã kiểm tra 15 cơ sở, phát hiện 3 trường hợp không có giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không niêm yết giá... Cục đã xử phạt số tiền 14,5 triệu đồng; tịch thu 16 chai rượu ngâm (loại 500ml/chai). Từ đầu năm đến nay, cục đã kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh rượu nhưng không có trường hợp vi phạm quy định.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu có chuyển biến tích cực hơn so với trước. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất rượu thủ công đa số là các hộ gia đình, không thực hiện đăng ký kinh doanh, phương thức tự sản tự tiêu, nấu rượu chủ yếu phục vụ chăn nuôi, nấu theo thời vụ, kinh doanh bán lẻ trong khu vực cư trú, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Đây là những đối tượng có nguy cơ mất ATTP lớn nhất.
Còn nhiều bất cập
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo Nghị định 15 ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP quy định, không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đối với các đối tượng sản xuất rượu thủ công. Nhưng đến nay, Bộ Công Thương cũng chưa có thông tư hướng dẫn quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nói chung và cơ sở sản xuất rượu thủ công nói riêng. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn. Bên cạnh đó, quy định “tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã” tại Nghị định số 105/2017 cũng còn nhiều bất cập như: chưa quy định thẩm quyền tiếp nhận của xã; chưa có quy định để xác định cơ sở sản xuất rượu thủ công đã thực hiện đăng ký tại UBND cấp xã…
Ngoài ra, đại diện Cục QLTT tỉnh cũng chỉ ra một trong những vướng mắc trong quá trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu là khó xác định được hoạt động buôn bán của các cơ sở sản xuất rượu thủ công không thực hiện đăng ký kinh doanh. “Khi có lực lượng kiểm tra, các cơ sở sản xuất rượu thủ công đều nói rằng họ chỉ sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia đình, chăn nuôi, chứ không kinh doanh. Trong những trường hợp này, lực lượng chức năng rất khó để xác định được họ có kinh doanh hay không”, ông Phạm Văn Hữu - Cục trưởng Cục QLTT cho biết.
Các cơ sở và người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức đẩy đủ, chưa lường hết nguy cơ, tác hại của việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu có hàm lượng các thành phần độc tố cao sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực này được quan tâm, thực hiện thường xuyên, nhưng vẫn chưa phổ biến hết đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công quy mô hộ gia đình, hộ cá thể, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa. Xuất phát từ vướng mắc, bất cập trên, vừa qua, Sở Công Thương đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về đánh giá việc thực hiện Nghị định 105/2017 về kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh để bộ có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn.
MAI HOÀNG