Hệ thống thiết chế cơ sở vật chất thiếu, quy mô lại nhỏ nên việc đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi văn hóa, thể thao cho thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện Khánh Sơn từ nhiều năm nay luôn gặp khó khăn.
Hệ thống thiết chế cơ sở vật chất thiếu, quy mô lại nhỏ nên việc đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi văn hóa, thể thao cho thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) từ nhiều năm nay luôn gặp khó khăn.
Hạn chế về cơ sở vật chất
Ở huyện miền núi Khánh Sơn, cứ mỗi dịp hè về, người ta lại thấy trẻ em ra dọc bờ sông, suối để tắm hoặc bắt cá. Phổ biến hơn là việc lên rẫy phụ giúp cha mẹ làm việc, thậm chí có em còn đi làm thuê. “Những lúc không đi học, chúng cháu lại đi bắt cá vừa vui, vừa có thể bán để kiếm tiền. Chúng cháu cũng muốn được học đá bóng như các bạn ở miền xuôi, nhưng xã không có lớp mở, còn xuống huyện thì xa lắm”, em Mấu Văn Sơn (xã Sơn Hiệp) cho biết.
Mới đây, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo huyện Khánh Sơn với thanh niên, một số đoàn viên, thanh niên cũng đề cập đến việc thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện thiếu chỗ vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao; hệ thống cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, thể thao không đủ đáp ứng nhu cầu của lớp trẻ. Điều này cũng là một nguyên nhân khiến cho lượng thanh thiếu nhi sa đà vào các trò chơi vô bổ, có hại ngày càng nhiều.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 hội trường phục vụ biểu diễn văn nghệ có công suất 128 ghế ngồi; 1 nhà thi đấu đa năng với 250 chỗ ngồi, trong đó có: 1 sân bóng đá mini trong nhà, 5 sân cầu lông, 1 sân bóng rổ, các phòng mở các lớp học đàn Organ, vẽ, cờ vua, dạy tiếng Anh; 1 sân bóng chuyền; 1 thư viện; 1 khu sinh hoạt ngoài trời. Ở cấp huyện, không những số lượng ít, những cơ sở này còn có dấu hiệu xuống cấp. Còn ở cấp xã chỉ có các nhà sinh hoạt cộng đồng và khu thể thao tập trung. Hầu hết các xã, thị trấn, lực lượng thanh thiếu nhi vẫn đang thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiếu người đứng ra tập hợp, hướng dẫn các em sinh hoạt, vui chơi. Vì thế, các em thường tụ tập tự phát để chơi những trò chơi nguy hiểm dễ dẫn đến tai nạn, thương tích hoặc những trò chơi không phù hợp với lứa tuổi trên mạng Internet.
Các thiết chế văn hóa, thể thao không đủ
Là địa phương được đánh giá có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vào loại khá, xã Sơn Hiệp may mắn được huyện đầu tư kinh phí để làm nhà dài truyền thống ở thôn Hòn Dung trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân, trong đó có thanh thiếu nhi. Còn khu thể thao của xã ở thôn Liên Hiệp dù đã cố gắng đầu tư nhưng cũng chỉ là một bãi đất bằng phẳng để có thể tổ chức các môn thể thao theo chỉ tiêu hàng năm. “Thanh thiếu nhi trong xã mỗi lần có hoạt động nào đó được huy động thì mới tham gia, chứ không có chỗ để sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể thao thường xuyên. Đa số các em thường đi phụ giúp lao động những lúc không đến trường, rất ít em có điều kiện tham gia các lớp học về nghệ thuật, thể thao. Điều này cũng làm ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi trong xã”, ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết.
Với hệ thống cơ sở vật chất như trên, hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức được các hoạt động như: mở cửa thư viện cho mọi người vào đọc sách; tổ chức hội thi kể chuyện theo sách; mở các lớp dạy đàn, vẽ, làm bánh kem, dạy hát dân ca Raglai, trình diễn mã la; tổ chức các giải bóng đá thiếu nhi, cờ vua, cầu lông, mở lớp dạy võ thuật, bóng đá, cầu lông, bóng chuyền; tạo điều kiện cho tư nhân sử dụng mặt bằng trong trung tâm để làm khu vui chơi thiếu nhi… Dù có nỗ lực tổ chức hoạt động cũng chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận rất nhỏ thanh thiếu nhi ở thị trấn Tô Hạp và một số em của xã Sơn Trung, Ba Cụm Bắc. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện, hiện nay, đời sống của người dân đang phát triển, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của thanh thiếu nhi đòi hỏi ngày càng cao. Các gia đình đều nhận thức được thông qua sinh hoạt văn hóa, thể thao ngoài việc tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện trí tuệ, thể chất, còn góp phần giúp con em không sa vào các trò chơi vô bổ, thậm chí là tệ nạn xã hội.
Được biết, năm 2017, UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép huyện đầu tư xây dựng Nhà thiếu nhi huyện. Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng ở chỗ khảo sát tìm địa điểm để xây dựng vì chưa được bố trí kinh phí. Trong khi chờ công trình nhà thiếu nhi, các đơn vị chức năng của huyện và các địa phương tự khắc phục bằng việc tăng cường hoạt động nhà văn hóa thôn, nhà cộng đồng và phối hợp với nhà trường cho các em vào vui chơi trong sân trường mỗi dịp nghỉ hè; vận động các tổ chức đoàn thể thực hiện nhiều hơn các hoạt động vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi.
Giang Đình