Nằm lặng lẽ bên Quốc lộ 1, hàng chục năm nay, các gia đình làm nghề đan tranh lợp mái nhà ở thôn Khánh Thành Bắc (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vẫn sản xuất những tấm tranh bằng cỏ để mang chút quê đến các khu du lịch, quán cà phê trong cả nước.
Nằm lặng lẽ bên Quốc lộ 1, hàng chục năm nay, các gia đình làm nghề đan tranh lợp mái nhà ở thôn Khánh Thành Bắc (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vẫn sản xuất những tấm tranh bằng cỏ để mang chút quê đến các khu du lịch, quán cà phê trong cả nước.
Gặp ông Nguyễn Văn Thành (thôn Khánh Thành Bắc), người có hơn 30 năm theo nghề này, chúng tôi biết thêm những thăng trầm của công việc kết cỏ thành tranh này. Vốn trước đây, ở khu vực xã Suối Cát, nguồn cỏ lau rất nhiều và thường được người dân cắt về để làm tranh lợp mái nhà. Sau này có người đến đặt số lượng lớn để mang đi làm các công trình thì một số hộ ở đây nhận đặt hàng và tập hợp nhân công trong làng đan tranh để bán. Dần dà công việc tưởng chừng như chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình đã trở thành một nghề cho thu nhập khá đối với người dân nơi đây. “Thời kỳ đầu, khách hàng đến đặt mua tranh của chúng tôi về chủ yếu dùng để lợp các lán trại công trường, sửa chữa nhà của người dân hoặc các chòi quán cà phê. Nhưng về sau, với sự phát triển của các khu du lịch sinh thái, các quán cà phê có quy mô lớn ngày càng nhiều thì lượng khách hàng đến đặt tranh cũng đông hơn. Có những thời điểm sản phẩm làm ra không kịp để giao cho khách”, ông Thành cho biết.
Những tấm tranh đơn giản từ thôn Khánh Thành Bắc đã có mặt tới nhiều địa phương khắp trong nam, ngoài bắc và cả khu vực Tây Nguyên như: TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang), Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Đắk Lắk, Gia Lai… Số lượng các hộ đứng ra thu mua nguyên liệu và bán sản phẩm lúc cao điểm lên đến 15 hộ, số người kết tranh cũng lên đến con số hàng trăm. Còn hiện tại, quy mô sản xuất đã thu hẹp hơn khi còn 6 gia đình duy trì nghề này. Mặc dù khách hàng đặt tranh không nhiều như trước, bởi nhiều dự án sử dụng tranh lợp bằng lá dừa nước vừa đẹp, vừa bền hơn tranh cỏ lau, nhưng nghề kết tranh vẫn mang đến nguồn thu tương đối khá cho người dân. “Với mỗi tấm tranh có kích thước ngang 0,8m, dài 1m, người làm được trả công 700 đồng. Người làm nhanh cũng có thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày, đủ để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình”, chị Nguyễn Kim Phượng - người đan tranh cho biết. Đối với chị Mã Thị Bích Dung, ngoài 2 sào đất lúa thì nguồn thu của gia đình chị chỉ còn biết trông chờ vào công việc đan tranh này. Trước đây, những lúc nông nhàn chị thường đi làm thuê ở các quán ăn vừa vất vả mà thu nhập thấp. Từ khi xin được đan tranh, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. “Nghề này rất phù hợp cho chị em phụ nữ vì vừa nhẹ nhàng, không phải đi xa. Nếu không muốn đến đan tại cơ sở, chúng tôi có thể nhận nguyên liệu đem về nhà để làm”, chị Dung cho biết.
Nguồn nguyên liệu làm tranh cỏ lau trước đây chủ yếu do người dân trong vùng cắt về bán, nhưng hiện nay đã bị thu hẹp rất nhiều bởi nương rẫy đã được người dân canh tác thường xuyên. Vì thế, để có cỏ tranh sản xuất sản phẩm, các hộ làm nghề này phải đặt mua từ nhiều tỉnh khác về, nên chi phí giá thành sản phẩm cũng cao hơn trước. Tính trung bình, cứ mỗi 1.000 tấm tranh sau khi trừ hết các chi phí thì cơ sở sản xuất còn lời được khoảng 500.000 đồng. Tuy nhiên, do đơn hàng ngày càng ít nên sản phẩm làm ra không phải lúc nào cũng có thể bán được liền, vì thế mức lợi nhuận này cũng giảm xuống. Đó là chưa kể những rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp tranh. “Năm 2018, gia đình tôi bán được 70.000 tấm tranh, nhưng đến nay vẫn chưa nhận đủ tiền. Trong khi đó, chi phí mua nguyên liệu, trả tiền công người làm vẫn phải thanh toán đủ. Mình làm ăn nhỏ nên nhiều lúc phải chịu thiệt để giữ mối. Cụ thể, các cơ sở sản xuất đã có sự chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chứ không còn trông chờ vào việc khách hàng tự đến đặt như trước. “Các cơ sở đan tranh vẫn đang tạo việc làm cho một số lượng lao động nữ trong thôn, vì thế chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của chính quyền trong vấn đề hỗ trợ vốn vay để phục vụ sản xuất. Có được nguồn vốn ổn định, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Lê Phớt - chủ một cơ sở sản xuất tranh bày tỏ.
Ông Lê Thành Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, các cơ sở sản xuất tranh đã góp phần tạo việc làm cho một số lao động nữ. Đến nay, đây vẫn là hoạt động tự phát, tự làm sản phẩm, tự tiêu thụ của các hộ. Nếu thực sự các hộ muốn phát triển ngành nghề, liên kết sản xuất và có đề xuất lên xã thì địa phương sẽ xem xét đến việc tìm giải pháp hỗ trợ.
TÂM - GIANG