10:01, 28/01/2019

Để phố biển thêm xuân

Không rộn ràng du xuân, không quây quần đầm ấm với gia đình trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những công nhân vệ sinh môi trường luôn đón giao thừa muộn để trả lại đường phố sạch đẹp vào ngày đầu năm mới.

Không rộn ràng du xuân, không quây quần đầm ấm với gia đình trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những công nhân vệ sinh môi trường luôn đón giao thừa muộn để trả lại đường phố sạch đẹp vào ngày đầu năm mới.


Phố biển lên đèn, những con đường ánh sáng lung linh hơn để chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Người người, nhà nhà náo nức ra phố, đổ về Quảng trường 2-4 và các điểm vui chơi giải trí dọc đường Trần Phú. Đó cũng chính là lúc những công nhân vệ sinh môi trường của Xí nghiệp Môi trường (thuộc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang) cần mẫn với công việc của mình.

 

Những công nhân vệ sinh môi trường luôn phải đón giao thừa muộn  để mang lại vẻ đẹp cho thành phố.

Những công nhân vệ sinh môi trường luôn phải đón giao thừa muộn để mang lại vẻ đẹp cho thành phố.


Nhanh tay dọn dẹp lá cây, rác thải trên công viên bờ biển và Quảng trường 2-4, chị Nguyễn Thị Hồng Vân (tổ môi trường phụ trách đường Trần Phú) chia sẻ, nhìn phố phường đông vui, nhộn nhịp, người người sum họp bên gia đình, nhiều lúc chị cũng cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Là mẹ đơn thân, một mình nuôi con, chị Vân đã làm công nhân quét rác gần 20 năm nay. Và cũng từng ấy lần, chị đón giao thừa trên phố với đồng nghiệp, không được ở cạnh con gái. Trước khi vào ca trực đêm giao thừa (từ 2 giờ chiều), chị Vân tất bật chuẩn bị đồ cúng bàn thờ gia tiên rồi vội vàng gửi con gái cho bố mẹ để kịp có mặt trên đường phố. Tết - không khí lao động của các công nhân vệ sinh như chị Vân càng trở nên khẩn trương hơn bởi khối lượng rác nhiều gấp hai, ba lần ngày thường. 

 
17 năm gắn bó với công việc của một công nhân vệ sinh, chị Bùi Thị Thanh Mai luôn lỗi hẹn những giây phút sum vầy đầm ấm bên gia đình trong những ngày Tết hay đêm giao thừa. Chồng và con chị Mai cũng quen dần cảnh không có mẹ, phải tự xoay sở mọi việc trong gia đình khi mẹ vắng nhà ngày Tết. Chị Mai tâm sự, có những ngày Tết, chị làm đến 16 giờ; riêng đêm giao thừa thì chỉ biết giờ đi chứ không biết giờ về. Bởi khi nào đường phố còn rác thì các chị còn làm. Có năm, sau giao thừa, chị và đồng nghiệp phải làm đến 4 giờ sáng mới hết rác. Chị nói vui: “Người dân tập trung xem bắn pháo hoa ở Quảng trường hay đường Trần Phú đông vui là thế. Nhưng hết pháo hoa, người về thì rác ở lại, chúng tôi phải nỗ lực dọn sạch trước khi trời sáng”.


Ông Trần Văn Hương - Giám đốc Xí nghiệp Môi trường cho biết, trong ngày cuối cùng của năm và đêm giao thừa, 560 công nhân của xí nghiệp đều có mặt trên từng con đường, góc phố, riêng tuyến đường biển Trần Phú (từ cầu Trần Phú đến đường Tô Hiệu) có đến 75 công nhân túc trực. Ngày bình thường, tuyến đường biển có 3 ca thay nhau làm việc, trung bình 25 người/ca. Tuy nhiên, vào đêm giao thừa và những ngày Tết, do lượng người dân và du khách đổ về tuyến đường này đông hơn nên cả 3 ca đều phải làm việc tăng thêm thời gian. Toàn thành phố mỗi ngày đêm có khoảng 550 tấn rác. Nhưng chỉ đêm giao thừa, lượng rác đã lên đến 1.200 - 1.300 tấn. Ngoài đường biển thì các tuyến đường chính trong thành phố được chọn tổ chức hội hoa xuân, bày bán hoa Tết… cũng là những vị trí trọng điểm.    

 
Công việc vất vả là thế, nhưng trên nét mặt các anh chị công nhân vệ sinh môi trường vẫn hiện lên sự nhiệt tình, cần mẫn. “Lúc mới vào nghề, mỗi dịp lễ, Tết, nhìn mọi người được sum vầy trong bữa cơm cuối năm hay cùng chồng con xuống phố du xuân mà thấy mủi lòng. Nhưng cứ nghĩ đến ngày mai, mọi người được đi trên những con đường sạch đẹp, tôi lại thấy lòng lâng lâng niềm vui. Tôi cảm nhận được ý nghĩa của công việc mình đang làm là để thành phố thêm đẹp, mùa xuân thêm thắm”, chị Vân cười nhẹ.


Nhìn những công nhân vệ sinh môi trường với chiếc chổi tre trên từng con đường, góc phố, những câu thơ trong bài thơ Tiếng chổi tre của nhà thơ Tố Hữu lại vọng về: “Chị lao công/như sắt/như đồng/chị lao công/đêm đông/quét rác… Tiếng chổi tre/sớm tối/đi về/giữ sạch lề/đẹp lối/em nghe!”.


KHÁNH CHÂU