Có người băn khoăn rằng họ không uống rượu bia, không hút thuốc lá, không ăn nhiều dầu mỡ hay nội tạng động vật, vậy mà vẫn bị bệnh gan nhiễm mỡ. Vậy gan nhiễm mỡ hình thành theo cơ chế nào và có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu?
Có người băn khoăn rằng họ không uống rượu bia, không hút thuốc lá, không ăn nhiều dầu mỡ hay nội tạng động vật, vậy mà vẫn bị bệnh gan nhiễm mỡ. Vậy gan nhiễm mỡ hình thành theo cơ chế nào và có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu?
Cơ thể dự trữ mỡ ở nhiều nơi để cung cấp năng lượng và giữ ấm. Gan có cấu tạo một phần là mỡ, nhưng nếu lượng mỡ trong gan quá cao, đó có thể là dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ. Gọi bệnh gan nhiễm mỡ hay thoái hóa mỡ gan khi sự tích lũy chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan. Bệnh gan nhiễm mỡ gây tổn thương gan, khiến nó không đào thải được chất độc và sản xuất mật cho hệ tiêu hóa, gây ra nhiều vấn đề khác cho cơ thể, dễ dẫn đến xơ gan, từ đó gây ung thư gan.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ. Thống kê cho thấy, bệnh gan nhiễm mỡ hay gặp ở người nghiện rượu, lười vận động cơ thể, do thừa cân, béo phì, do đái tháo đường, tăng lipid máu (bao gồm cả cholesterol và triglycirit), do suy dinh dưỡng do thiếu hụt protein hoặc có thể do các bệnh viêm gan khác: viêm gan A, B, C, E hoặc do bệnh sốt rét.
Trường hợp chẩn đoán gan nhiễm mỡ nhưng nếu không kèm viêm gan virus hoặc men gan không tăng cao thì cũng không nên quá lo lắng. Còn để kết luận là nặng hay không còn liên quan tới xét nghiệm chức năng gan thế nào, cụ thể là men gan tăng nhiều hay ít, có xơ gan không? Để phát hiện sớm các biến chứng, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ.
Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ bằng chế độ ăn hợp lý và tăng cường vận động cơ thể dưới mọi hình thức. Nếu thừa cân, nên áp dụng chế độ ăn giảm đường, mỡ, giảm thực phẩm giàu cholesterol và tryglycirit, hạn chế ăn mỡ động vật, tăng cường ăn cá, hạn chế bia rượu. Ăn nhiều loại thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu như tỏi, giá đỗ, cà chua, rau cần, rau xanh; ăn các loại quả giàu vitamin C hoặc dùng nước ép bưởi, cam, quýt, thanh long, bơ, ổi...
Tập thể dục đều đặn là yếu tố quan trọng đối với tất cả mọi người, nhưng nó đặc biệt có lợi cho người bị bệnh gan nhiễm mỡ. Chỉ 30 phút tập thể dục vừa phải từ 3-5 lần mỗi tuần có thể giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh và giảm các triệu chứng. Lưu ý, người bệnh chỉ cần chăm vận động hơn đã có được lợi ích về mặt sức khỏe. Đứng khi chờ xe buýt, kéo căng người mỗi buổi sáng hay tập đi bộ tại chỗ trong khi xem tivi là những cách để tăng vận động trong ngày mà không cần phải tốn thời gian tập luyện.
Nếu ăn kiêng và tập thể dục không đủ để kiểm soát các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ, thì đã đến lúc phải đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành phân tích tổng thể và kê đơn thuốc, hoặc giới thiệu bạn tới chuyên gia dinh dưỡng để có biện pháp chữa trị toàn diện.
Theo An ninh Thủ đô