01:10, 03/10/2018

Nhớ canh tập tàng mẹ nấu chiều mưa

Xa quê nhớ xóm nhớ làng/Nhớ canh tập tàng mẹ nấu chiều mưa. Không rõ, ở các vùng quê khác có lưu truyền câu ca dao trên không, nhưng ở quê tôi thì chẳng mấy ai lại không biết. Biết và thuộc lòng, để rồi không ít người vì lý do nào đó phải xa quê, ngồi đọc thầm, nhớ về món rau độc đáo trong nỗi nhớ chung về xóm làng, mẹ cha, quê kiểng...

Xa quê nhớ xóm nhớ làng/Nhớ canh tập tàng mẹ nấu chiều mưa. Không rõ, ở các vùng quê khác có lưu truyền câu ca dao trên không, nhưng ở quê tôi thì chẳng mấy ai lại không biết. Biết và thuộc lòng, để rồi không ít người vì lý do nào đó phải xa quê, ngồi đọc thầm, nhớ về món rau độc đáo trong nỗi nhớ chung về xóm làng, mẹ cha, quê kiểng...

 


Tập tàng không phải là tên gọi của một loại rau cụ thể mà tập hợp từ nhiều loại rau. Điều này ai cũng biết, nhưng có lẽ chỉ những người từng sống ở làng quê mới có nhiều kỷ niệm với nó. Quê tôi là một vùng quê của miền Trung, mùa hè đến, nắng hạn, đất khô nứt nẻ, mùa đông tới, mưa lũ tràn về, ruộng đồng, vườn tược ngập úng. Vào những ngày như thế, trồng rau không phải dễ, vì vậy, để có món rau lụt hoặc canh rau, bọn nhỏ chúng tôi thường bưng rổ đi hái… rau tập tàng.


Những ngọn rau muống còn sót, mọc lẻ loi bên bờ ruộng hay những ngọn khoai lang còn tím màu nằm khuất trong đám cỏ ở góc vườn; những bụi rau sam, rau dền, rau má, những cây rau tàu bay mọc ven lối đi; những cọng rau hoang mảnh khảnh thuộc họ dây leo như lạc tiên, miên quy… bò trên bờ rào, đều được chúng tôi hái hết. Thậm chí những bông điên điển nở vàng trên những đám ruộng sâu, chúng tôi cũng rủ nhau xắn quần, bì bõm đi hái cho bằng được.


Rau tập tàng lụt đã ngon, canh rau tập tàng càng không thể chê vào đâu được, nhất là khi nấu với tôm tép, cua đồng hay cá bống. Có lẽ cũng vì thế mà ở quê tôi người ta hay hát ru con bằng mấy câu ca: Con bống còn ở trong hang/Cái rau tập tàng còn ở ruộng sâu/Ta về sắm cái cần câu/Câu lấy con bống nấu rau tập tàng/Mặc ai giàu có, cao sang/Mình rau tập tàng sớm tối có nhau/Mai sau dù đã bạc đầu/Chàng ơi, hãy nhớ món rau nghĩa tình…


Ngon, dân dã, và theo năm tháng, tập tàng đã trở thành nghĩa tình, hóa thân vào ca dao. Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp tham dự một cuộc hội thảo về văn học - nghệ thuật ở Tây Ninh. Buổi tối, một số anh em rủ nhau đi thưởng thức món bánh canh và bánh tráng phơi sương cuốn thịt theo cùng rau rừng nổi tiếng ở Trảng Bàng. Nhìn đĩa rau ngồn ngộn lá tím, lá xanh mà theo lời chủ quán toàn là loại lá mọc hoang với những cái tên rất lạ như: sao nhái, trâm ổi, đọt chọi…, chúng tôi ai nấy vô cùng ngạc nhiên, bàn tán. Hôm ấy, trong bàn ăn, số anh em người của các địa phương thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam đều có đủ. Bàn về rau rừng Tây Ninh, sau đó ai nấy sôi nổi nói về món canh rau tập tàng ở quê mình. Hóa ra, cả ba miền nước ta nơi nào cũng có món canh rau tập tàng. Một anh bạn là nhà văn, quê ở Huế giải thích, ở quê anh, người ta cho rằng, tập tàng là do đọc trại từ chữ thập toàn. Nói rồi anh còn đọc cho mọi người nghe một câu ca dao ở quê mình: Tập tàng nấu với mắm tôm/Vợ chồng hú hí sớm hôm ai bằng…


Hoàng Nhật Tuyên