08:06, 15/06/2018

Trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ: Hầu hết chưa được cấp phép

Để phục vụ nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ trong dịp hè, nhiều cơ sở tại TP. Nha Trang đã mở các khóa học giáo dục kỹ năng sống cho trẻ với nhiều chương trình ngoại khóa, trải nghiệm cuộc sống...

Để phục vụ nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ trong dịp hè, nhiều cơ sở tại TP. Nha Trang đã mở các khóa học giáo dục kỹ năng sống cho trẻ với nhiều chương trình ngoại khóa, trải nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, đa số các trung tâm này chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cấp phép hoạt động.  
 
Buổi ngoại khóa xem phim của Trung tâm CSC.
Buổi ngoại khóa xem phim của Trung tâm CSC.
Nở rộ các khóa học kỹ năng sống
 
Vài năm gần đây, trên địa bàn TP. Nha Trang vào mỗi dịp hè, có khá nhiều địa chỉ tuyển sinh các khóa học kỹ năng sống cho trẻ được mở ra với những tờ rơi quảng cáo rất hấp dẫn. Các khóa học thường được khai giảng đầu tháng 6 và kết thúc vào tháng 8. Một số trung tâm mở thêm các khóa học trong năm vào cuối tuần. Để thuận lợi hơn cho các bậc phụ huynh, nhiều trung tâm còn mở các lớp bán trú kết hợp các bộ môn thể thao hay lớp học tiếng Anh…
 
Trung tâm CSC (đường Lê Đại Hành) vừa khai giảng khóa kỹ năng toàn diện bán trú hè 2018 với phương châm: “Cho trẻ thơ một mùa hè đúng nghĩa”. Chị Ngô Hoàng Lan - Chủ nhiệm Trung tâm cho biết: “Nhằm đảm bảo tối đa chất lượng các khóa học, trung tâm chỉ tổ chức chiêu sinh 5 lớp (tối đa 60 học sinh). Chương trình gồm 6 môn học bổ ích và thú vị dành cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi, giúp trẻ phát triển năng khiếu bản thân. Đặc biệt, chương trình kỹ năng sống dựa trên các hoạt động trải nghiệm giúp trẻ phát triển chỉ số EQ và SQ, gia tăng khả năng tập trung cho trẻ. Ngoài ra, các bé được đi sinh hoạt dã ngoại hoặc các hoạt động tập thể ngoài trời vào thứ Sáu hàng tuần”.

 

Các bé ăn cơm trưa.
Các bé ăn cơm trưa.
 
Trung tâm Sóc Nhí (Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung) mở các khóa học kỹ năng với nhiều hoạt động thực tế ngoài trời. Tại đây, các bé được trải nghiệm các chuyến đi thực tế như: đi siêu thị hoặc chợ, vào bếp cùng Sóc Nhí, tổ chức Teambuilding bãi biển, tập làm nông dân nhí, tham quan các khu di tích lịch sử hay làng nghề truyền thống. Ngoài ra, trung tâm còn có các câu lạc bộ dạy Yoya trẻ em, tiếng Anh, bơi lội... 
 
Năm nay, Nhà Thiếu nhi cũng mở hai khóa học rèn luyện kỹ năng sống dành cho học sinh cấp tiểu học (4 lớp) và cấp THCS (2 lớp). Mỗi lớp khoảng 15 học sinh. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Nha Trang còn có các địa chỉ khác như: Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Vườn ươm tài năng (đường Nguyễn Thị Minh Khai) với các khóa về kỹ năng tự lập và hoàn thiện bản thân, kỹ năng học nhanh nhớ lâu…; Tân Việt Nha Trang (đường Lê Thành Phương) với các khóa học kỹ năng mềm, dã ngoại…
 
Được biết, học phí tại các trung tâm trung bình từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng (đối với lớp bán trú); nếu chỉ đăng ký tham gia hành trình và đóng học phí theo tháng thì mức đóng phổ biến từ 1 đến 1,2 triệu đồng/hành trình (4 ngày). Riêng Nhà Thiếu nhi tỉnh, học phí đối với bậc tiểu học 1,3 triệu đồng/khóa học; THCS 1,8 triệu đồng/khóa học. Đa số phụ huynh cho rằng, thời lượng, chương trình học như trên là hợp lý. Tuy nhiên, so với mức thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh hiện nay thì mức học phí như vậy khá cao.
 
Hầu hết chưa được cấp phép hoạt động giáo dục
 
Theo tìm hiểu, đa số phụ huynh khi đăng ký cho con học kỹ năng chỉ quan tâm xem phòng học thế nào, chất lượng ăn ra sao, còn chất lượng đào tạo thì chỉ nghe theo lời nhân viên trung tâm tư vấn… Chị Nguyễn Thị Hương Lan - Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, có con đang theo học tại một trung tâm kỹ năng sống trên đường Lê Đại Hành cho biết: “Khi tới trung tâm tìm hiểu, được nhân viên giới thiệu thấy chương trình khá hấp dẫn nên đăng ký chứ không nghĩ đến việc hỏi trung tâm đã được cấp phép hay chưa. Khi tôi hỏi, con thấy khóa học thế nào, con bảo là cơm ngon, phòng ngủ mát vì có điều hòa, con rất vui, vậy là mình yên tâm”.
 
Theo ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, nhất là TP. Nha Trang xuất hiện khá nhiều trung tâm kỹ năng sống do các tổ chức, cá nhân mở ra trong dịp hè. Tuy nhiên, hiện chỉ có Công ty TNHH Dịch vụ Lê Phong, đường 2-4 đã liên hệ với sở để được cấp giấy phép hoạt động. Qua kiểm tra, xét thấy công ty đáp ứng đủ các điều kiện nên sở đã cấp phép hoạt động giáo dục với hai nội dung là luyện chữ đẹp và tính toán nhanh. Còn các cơ sở giáo dục kỹ năng sống cho trẻ khác hầu hết đều chưa đến sở đăng ký để được cấp phép hoạt động giáo dục. Các tổ chức, cá nhân này chỉ đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư (nội dung đăng ký có nhiều ngành nghề hoạt động, trong đó có lĩnh vực giáo dục) rồi hoạt động. Trong khi đó, lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức, cá nhân còn phải đăng ký với Sở GD-ĐT để được cấp phép hoạt động giáo dục. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra về cơ sở vật chất, công tác phòng cháy chữa cháy, đội ngũ giáo viên, chương trình dạy… nếu đủ điều kiện mới được cấp phép hoạt động. 
 
Để đưa các trung tâm kỹ năng sống đi vào hoạt động nề nếp, đảm bảo chất lượng, được biết, thời gian tới, Thanh tra Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương thành lập đoàn kiểm tra các trung tâm chưa được cấp phép. Bước đầu, đoàn sẽ hướng dẫn các trung tâm hoàn thành hồ sơ đăng ký. Trên cơ sở đó, tiến hành thanh kiểm tra về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, công tác phòng cháy chữa cháy… Sau khi sở đã nhắc nhở mà các trung tâm vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu đóng cửa. 
 
Cẩm Vân - Thảo N