Việc ăn uống không chỉ có tiết độ (về lượng, thời gian) mà cần phù hợp với nhu cầu của mỗi người và còn phải thích nghi với khí hàn (lạnh) nhiệt (nóng) ôn lương của tiết trời.
Việc ăn uống không chỉ có tiết độ (về lượng, thời gian) mà cần phù hợp với nhu cầu của mỗi người và còn phải thích nghi với khí hàn (lạnh) nhiệt (nóng) ôn lương của tiết trời.
Dưa hấu vị ngọt, tính mát, tốt cho cơ thể lúc thời tiết nóng Ảnh: Shutterstock |
Những mệt mỏi, bận rộn công việc, hay cãi nhau được xem là “kẻ thù” của tiêu hóa thức ăn. Đông y cho rằng phải tách công việc, buồn phiền ra khỏi bữa ăn để không ảnh hưởng (làm giảm) hoạt động của hệ tiêu hóa. Bữa ăn ngon, điều độ giúp cho ta có giấc ngủ tốt. Những cảm xúc vui vẻ, thích thú trong bữa ăn sẽ làm tăng hiệu suất quá trình chuyển hóa. Chức năng tỳ vị hoạt động tốt thì đến bữa người ta sẽ thèm ăn, và ăn ngon miệng.
Món bổ từ gà
Theo lương y Như Tá, y học cổ truyền xa xưa có phương thuốc bồi bổ, tăng khí lực cho cơ thể bằng cách dùng gà nuôi lâu năm, làm sạch đem hầm để lấy nước dùng. Nam giới nên dùng gà mái, còn nữ giới thì dùng gà trống sẽ hay hơn.
Theo y học cổ truyền, gà lông vàng (da, lông đều vàng) có công dụng bổ tỳ vị, ấm dạ dày. Còn gà trống đen thuộc hành mộc, có công dụng bổ khí lực, bổ thận tinh.
Mệt mỏi, lao lực trong đợt giáp tết, thì dùng một con gà mái thật béo, làm sạch, bỏ lòng ruột, cắt miếng. Gừng tươi 200 gr cắt lát mỏng; táo tàu 250 gr, cho tất cả vào nồi đất cùng 2 lít nước, thêm một ít rượu ngon, nêm nếm gia vị vừa dùng, đem hầm chín thật mềm nguyên liệu.
Trường hợp do ăn uống quá nhiều trong dịp tết khiến bụng đầy óc ách, khó tiêu thì dùng một con gà mái vàng, làm sạch đem nấu cháo với đậu đỏ, ăn lúc bụng đói. Hoặc cách khác, lụa mề gà phơi khô đem sao hơi vàng, tán mịn, lấy khoảng 5 gr đem hòa với sữa mẹ dùng.
Với trứng gà có công dụng bổ tinh, bổ khí, huyết. Nếu cho trứng (cả lòng đỏ và trắng) vào nồi cháo dùng sẽ giúp bổ khí huyết.
Cải thiện bệnh vặt, mất ngủ
Dịp lễ tết có nhiều người phải đi quãng đường xa, dễ bị say tàu xe. Theo lương y Như Tá, trường hợp này có thể dùng phương pháp cổ truyền: lấy một lát gừng tươi đặt lên huyệt nội quan (một vị trí gần đường ngấn cổ tay) rồi dán băng keo phía ngoài, trước khi lên tàu xe. Phương pháp này rất hiệu quả.
Tiết trời nắng gắt, chúng ta đi lại nhiều nên dễ bị say nắng, nhiệt (nóng). Sẵn dịp tết các gia đình đều có dưa hấu, ta lấy dùng trị say nắng. Dưa hấu vị ngọt, tính mát, có công dụng giải nhiệt do trúng nắng, hạ áp, sinh tân dịch. Y học cổ truyền lý giải, dùng quả dưa hấu thích hợp với tiết trời mùa xuân. Ngoài ra, dưa hấu còn trị chứng nói khan, viêm họng - thường gặp khi chúng ta tụ họp nói nhiều. Cũng có thể dùng khoảng 30 gr hạt bí đao giã nát, hòa với nước chín uống trong ngày để cải thiện chứng viêm họng.
Tiếp khách đầu xuân, uống nhiều nước trà đậm dễ gây mất ngủ nhất thời. Để khắc phục có thể dùng 100 gr táo tàu cùng 20 gr cát lâm sâm, nấu lấy nước uống trong ngày. Hoặc dùng 30 quả táo tàu cùng vài gốc hành (cắt khúc) nấu lấy nước uống buổi chiều. Hoặc nấu bình trà gồm hoa hòe, hoa đại, hoa ngâu, hoa lài sẽ giúp êm dịu thần kinh, tạo giấc ngủ ngon. Chè sen, hạt sen có trong các gia đình dịp tết cũng là thực phẩm giúp dễ ngủ, ngủ sâu...
Theo Thanh niên