11:06, 16/06/2015

Nhiều người dân vẫn trông chờ, ỷ lại

Cách đây khoảng 15 năm, đồng bào Raglai ở thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được Nhà nước xây nhà để ổn định cuộc sống. Hiện nay, tuy những ngôi nhà này chỉ bị hư hỏng nhẹ, nhưng người dân không tự sửa chữa mà vẫn trông chờ vào Nhà nước...

Cách đây khoảng 15 năm, đồng bào Raglai ở thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được Nhà nước xây nhà để ổn định cuộc sống. Hiện nay, tuy những ngôi nhà này chỉ bị hư hỏng nhẹ, nhưng người dân không tự sửa chữa mà vẫn trông chờ vào Nhà nước...


Mới đây, qua tiếp xúc cử tri, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở thôn Suối Sâu kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí để sửa chữa nhà ở. Từ thông tin đó, chúng tôi đã đi thực tế để nắm sự việc. Quả thực, ở thôn Suối Sâu có hàng chục căn nhà của các hộ ĐBDTTS bị xuống cấp, hư hỏng. Tuy nhiên, đó chỉ là những hư hỏng nhỏ như: sụt nền, mục cửa, mái tôn bị rỉ sét...

 

Ngôi nhà khang trang của ông Mấu Văn Hiển.
Ngôi nhà khang trang của ông Mấu Văn Hiển


Đến nhà ông Cao Trọng (51 tuổi), chúng tôi được ông cho hay, căn nhà gia đình ông đang ở do Nhà nước xây dựng cho cách đây gần 15 năm. Hiện nay, căn nhà vẫn còn rất kiên cố, nhưng cửa chính và cửa sổ đã bị hỏng. Ông đề nghị xã xem xét sửa chữa cửa. Quan sát nhà ông Trọng, chúng tôi thấy, tuy diện tích nhỏ nhưng tường xây, mái lợp tôn, nền lát gạch hoa còn rất tốt. Chỉ có 3 cửa sổ, 1 cửa chính, 1 cửa hông được làm bằng gỗ, sau thời gian sử dụng đã bị mục. Khi chúng tôi đề cập chuyện những cánh cửa hư hỏng không đáng kể, việc sửa chữa không tốn nhiều tiền sao không tự tu bổ để ở, ông Trọng phân bua: “Mới đây, nhiều hộ trong thôn đã được xã thay cửa mới bằng tôn. Nhà mình khó khăn, xã cũng phải sửa chứ...”. Được biết, gia đình ông Trọng không phải là hộ thiếu đất sản xuất, địa phương cũng đã từng hỗ trợ gia đình ông vốn, giống để làm kinh tế. Hiện nay, nhà ông có 1ha đất sản xuất, trong đó trồng 5 sào mía và 5 sào bắp. Những lúc nông nhàn, ông tranh thủ làm công cho người khác, thu nhập của gia đình ông so với mặt bằng chung trong thôn cũng thuộc dạng khá.


Đến nhà của một số hộ khác, hiện trạng của các căn nhà đều có dấu hiệu hư hỏng tương tự như nhà ông Trọng. Nhà bị hư hỏng nặng nhất là nứt tường, gãy trụ đỡ, mái tôn bị rơi nhiều tấm. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Phương Mai - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Ninh Tân, chúng tôi được biết, thôn Suối Sâu là nơi sinh sống của 70 hộ đồng bào dân tộc Raglai. Vào năm 2001 và 2002, tất cả các hộ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở. Năm 2014, qua khảo sát, xã thấy có 59 căn nhà bị xuống cấp, hư hỏng cần được sửa chữa. Đến cuối năm 2014, 2 căn nhà hư hỏng nặng nhất đã được xây mới, 11 căn nhà của các hộ nghèo, 12 căn nhà của hộ cận nghèo bị hư hỏng nặng đã được sửa chữa từ nguồn kinh phí của thị xã và Quỹ Vì người nghèo. Số nhà bị hư hỏng còn lại, qua vận động của địa phương đã có một số hộ tự sửa. Tuy nhiên, phần lớn các hộ ĐBDTTS vẫn ỷ lại, tiếp tục trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh: Hiện nay, ngân sách tỉnh không có kinh phí thường xuyên để sửa chữa nhà cho ĐBDTTS. Hai nguồn kinh phí chính được dùng vào việc này là: nguồn của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội dành cho đối tượng ĐBDTTS thuộc diện gia đình chính sách, người có công; nguồn từ Quỹ Vì người nghèo do MTTQ Việt Nam các cấp quản lý dành cho đối tượng là ĐBDTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ở thôn Suối Sâu, chúng tôi cũng khá bất ngờ khi thấy có nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang. Chủ nhân của những ngôi nhà này là những ĐBDTTS có ý thức vươn lên trong cuộc sống, chăm chỉ làm ăn. Nhà ông Mấu Văn Hiển có thể xem là một điển hình. Căn nhà rộng khoảng 100m2 vừa được xây cách đây gần 1 năm, kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Ông Hiển cho hay: “Lúc trước, cuộc sống vợ chồng tôi cũng rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Căn nhà này được xây dựng do tiền của vợ chồng tôi tiết kiệm, dành dụm qua nhiều vụ trồng mía, chăn nuôi bò và vay thêm ngân hàng 80 triệu đồng”. Được gia đình chia cho 2,2ha đất, ông Hiển đã học hỏi kỹ thuật trồng mía. Mấy năm trước, mía được mùa, được giá nên ông có vốn mua thêm bò về chăn nuôi. Nhờ vậy, ông Hiển đã có tiền dành dụm để xây nhà.


Theo ông Nguyễn Sỹ Liễm - Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, địa phương rất quan tâm đến đời sống của các hộ tại thôn Suối Sâu. Các chính sách dành cho hộ ĐBDTTS đều được triển khai. Một số ít hộ có ý thức vươn lên đã có cuộc sống khấm khá hơn. Thế nhưng, phần lớn số hộ vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại..., cho dù việc nhỏ họ cũng chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. “Chúng tôi đang cho rà soát lại nhà của các hộ ĐBDTTS bị xuống cấp. Căn nào hư hỏng nghiêm trọng, cần kinh phí lớn, xã sẽ kiến nghị cấp trên hỗ trợ, còn những căn nào chỉ hư hỏng nhẹ sẽ vận động người dân cố gắng tự tu bổ”, ông Liễm nói.


B.L - G.Đ