Một số cửa sông trong tỉnh có nhiều sò, quanh năm luôn thu hút đông đảo người dân các vùng lân cận đến mưu sinh, đặc biệt vào mùa hè.
Một số cửa sông trong tỉnh có nhiều sò, quanh năm luôn thu hút đông đảo người dân các vùng lân cận đến mưu sinh, đặc biệt vào mùa hè.
Dù mặt trời đã đứng bóng, cái nắng buổi trưa khá gay gắt, đứng trên cầu Hiền Lương (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) hướng mắt về phía phía thượng nguồn, chúng tôi thấy thấp thoáng từng tốp người đang ngâm mình dưới nước để bắt sò. Anh Phan Thanh Tuấn (thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương) vừa vác cái thúng chai từ dưới sông lên đầu cầu, nghe chúng tôi hỏi thăm, anh tỏ ra phấn khởi: “Hôm nay cũng khá, 2 vợ chồng và con tôi cào, mò từ 5 giờ sáng tới giờ được khoảng gần chục kg. Chị Liên, vợ anh Tuấn cho biết thêm, vợ chồng chị bám cửa sông Hiền Lương để mưu sinh đã gần 10 năm nay và đây cũng là nghề chính của họ. Phần lớn thời gian trong năm họ chỉ bắt sò vào ban ngày, nhưng vào mùa hè thì làm cả ngày lẫn đêm. “Bình quân giá sò trắng và sò đen hiện tại là 12.000 đồng/kg, vậy là buổi sáng nay, nhà tôi kiếm được gần 500.000 đồng.
Một cặp vợ chồng xúc, đãi sò ở cửa sông Quán Trường |
Ở TP. Nha Trang, cửa sông Quán Trường vào những ngày này cũng thu hút hàng trăm người dân xã Phước Đồng và các khu vực lân cận đến mưu sinh bằng nghề đánh bắt sò. Thường vào buổi sáng, khi con nước lớn, họ chủ yếu bắt sò bằng phương pháp lặn, cào có sự hỗ trợ của máy dưỡng khí. Đặc biệt, khoảng từ 15 giờ đến 22 giờ, khu vực cửa sông có hàng trăm người kéo đến bắt sò bằng các phương thức như cào, xúc, hay mò trực tiếp để bắt từng con. Theo anh Nguyễn Hồng Minh (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng), khu vực sông này có mật độ sò trắng (hay còn gọi là ngao) và sò đen rất dày, nhất là vào mùa hè. Vì thế, vợ chồng anh không bắt sò theo kiểu mò từng con như trước đây mà anh dùng xẻng xúc bùn đổ vào cái lồng quạt để vợ anh đãi lấy sò. “Trước đây, khi tôi đang làm thợ hồ, tình cờ một hôm mấy ông bạn rủ ra đây mò sò về nhậu, tôi thấy sò nhiều quá nên bỏ luôn nghề thợ hồ để làm nghề bắt sò. Cứ buổi sáng tôi chèo ghe ra đây lặn bắt sò, buổi chiều đến khoảng 22 giờ thì bắt theo kiểu chồng xúc, vợ đãi thế này. Nghề này rất cực do phải ngâm nước liên tục, nhưng bình quân mỗi ngày, một người cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Nếu chịu khó thì cũng sống được”, anh Minh chia sẻ. Theo bà Võ Thị Tám, chủ một cơ sở buôn bán hải sản gần cầu Bình Tân, các cơ sở kinh doanh hải sản ở khu vực này đều thu mua sò của những người đánh bắt ở cửa sông Quán Trường. Giá sò hiện đang được các cơ sở này thu mua với giá khá cao, từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người đánh bắt sò ở cửa sông Quán Trường hầu hết đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Phần lớn là người dân xã Phước Đồng, ngoài ra còn có người dân xã Vĩnh Thái và phường Phước Long (TP. Nha Trang). Ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết: “Từ trước đến nay, khu vực cửa sông Quán Trường là nơi mưu sinh quanh năm của hàng trăm người dân bằng nghề bắt sò, trong đó chủ yếu là người trong xã. Hầu hết họ đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và không có nghề nào khác. Đặc biệt vào mùa hè, người dân đến khu vực này bắt sò đông hơn, trong đó có cả học sinh theo cha mẹ ra sông bắt sò nên chúng tôi khuyến cáo người dân phải hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn, đặc biệt tránh tai nạn đuối nước vào lúc thủy triều lên”.
NAM ANH