Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn từ việc đốt cỏ, rác, rơm rạ…tùy tiện, hiện nay, việc tiêu hủy rác bằng phương thức này vẫn tồn tại ở một số địa phương...
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn từ việc đốt cỏ, rác, rơm rạ… tùy tiện, hiện nay, việc tiêu hủy rác bằng phương thức này vẫn tồn tại ở một số địa phương, khu dân cư trong TP. Nha Trang.
Ô nhiễm môi trường xung quanh
Dọc theo các tuyến đường như Lê Hồng Phong, Nguyễn Xiển, 23/10, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Khuyến, khu dân cư Hòn Xện (Vĩnh Hòa), Phước Đồng, Vĩnh Phương… chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh người dân tự ý tập trung rác thải, lá cây, cỏ để đốt. Ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt mang theo khói bụi phân tán trên diện tích rộng gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.
Tình trạng đốt cỏ, rác ven đường vẫn thường xuyên xảy ra. |
Chị Thu Thủy, TP. Nha Trang, cho biết “Có lần, khi đón con đi học về, từ xa, tôi thấy khói bốc lên nghi ngút, phủ kín cả một vùng, đến gần thì phát hiện ai đó đang đốt một đống to cỏ khô và lá bàng gần trường. Việc làm này ảnh hưởng đến không khí, môi trường của hàng ngàn học sinh, giáo viên nên tôi nghĩ nhà trường cũng cần có ý kiến”. Rất nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc với việc làm trên nhưng họ chỉ biết nhanh chóng đưa con mình ra khỏi khu vực khói bụi. Các nhà dân đóng kín cửa, riêng chỉ có các cháu nhỏ thì vẫn vô tư ra sân vui đùa trong khói bụi dày đặc...
Cũng tương tự, ông Long nhà trên đường Nguyễn Khuyến cũng rất bức xúc với việc đốt nhựa của các loại dây điện, dây cáp để lấy lõi đồng của người hàng xóm làm nghề đồng nát. Ông nói: “Mỗi lần nhựa cháy, mùi hôi bay sang các hộ gia đình xung quanh, không ai chịu nổi. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với người hàng xóm và tình hình cũng ít nhiều cải thiện, tuy nhiên, đây là công việc kiếm sống của cả gia đình họ, chúng tôi cũng không biết phải làm gì hơn ngoài việc đóng chặt cửa nhà mỗi khi khói bụi bay vào”.
Theo các nhà khoa học, khói bụi khi đốt cỏ rác, rơm rạ... gây tác hại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp vì trong khói có các hạt bụi nhỏ, khí CO2, CO (loại khí rất độc sinh ra do cỏ rác thường cháy không thành ngọn lửa)... dẫn đến các triệu chứng như đỏ mắt, buồn nôn, ngạt thở...
Nguy cơ xảy ra hỏa hoạn
Hàng ngàn mét vuông cây, cỏ bị thiêu rụi, bắt nguồn từ một đám lửa nhỏ. |
Ngoài ô nhiễm môi trường xung quanh, môi trường sống của cộng đồng các khu dân cư, việc đốt rác tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn không thể lường trước.
Ông Ba, thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng bức xúc: “Tuần trước, lúc tôi đang nghỉ trưa thì nghe tiếng nổ lách tách của cây lá đang cháy phía sau vườn. Tôi vùng dậy chạy ra và phát hiện một đám cháy to đang lan đến nhà mình. Lửa đã cháy hàng rào, có nguy cơ lan vào phía nhà bếp. Tôi gọi cả gia đình thức dậy, múc từng xô nước dập lửa. Rất may là phát hiện kịp thời, ngọn lửa đã được khống chế, nếu không chưa biết sẽ thế nào”.
Ông cho biết thêm, nguyên nhân gây cháy là do một người dân đốt cỏ khô trong vườn. Lúc lửa bùng phát thì gặp gió, trước khi cháy sang vườn nhà tôi, lửa đã thiêu rụi hàng ngàn mét vuông cây cỏ dại và lau sậy.
Nhìn dấu tích của “bà hỏa” để lại, chúng tôi hết sức bàng hoàng. Toàn bộ cây cỏ chết cháy, để lại một lớp tro đen trên mặt đất; hệ thống dây điện thắp sáng, dây điện thoại cao khoảng trên 4m cũng bị lửa làm hư hỏng nặng… Theo phản ánh của người dân nơi đây, hiện tượng đốt rác gây cháy như trên cũng từng xảy ra vào các mùa hè trước.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tích cực tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân, đến từng hộ gia đình, hướng dẫn cách xử lý rác thải sinh hoạt đúng theo quy định, nhất là ở những nơi xe vệ sinh môi trường không đến thu gom được… nhằm hạn chế việc đốt rác bừa bãi trong các khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống và nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào...
Như Thảo