11:05, 27/05/2014

Vật liệu xây dựng đua nhau tăng giá

Việc lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra tải trọng xe trên đường không chỉ đẩy giá cước vận tải hàng hóa tăng mà còn làm thị trường vật liệu xây dựng  biến động.

Việc lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra tải trọng xe trên đường không chỉ đẩy giá cước vận tải hàng hóa tăng mà còn làm thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) biến động.


 “Nóng” lên từng ngày


Từ đầu tháng 5 đến nay, thị trường VLXD “nóng” lên từng ngày. Các loại VLXD như sắt, thép, xi măng, gạch, cát... liên tục tăng giá. Nếu như đầu tháng, giá mỗi viên gạch ống Tuynen chỉ đứng ở mức 500 - 600 đồng/viên thì nay đã tăng lên 800 - 1.100 đồng/viên. Xi măng trong nước như Nghi Sơn từ 1,6 triệu đồng/tấn tăng lên hơn 1,7 triệu đồng/tấn, Hoàng Thạch từ 1,5 triệu đồng/tấn lên hơn 1,6 triệu đồng/tấn; xi măng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia cũng tăng từ 165.000 đồng lên 180.000 đồng/bao loại 40kg. Sắt thép tăng khoảng 100 - 150 đồng/kg tùy hãng. Gạch men của các hãng như Đồng Tâm, Hoàng Gia, Bạch Mã... đều tăng giá lên 12 - 18%. Điều đáng nói, không chỉ biến động về giá cả mà trên thị trường hiện đang có dấu hiệu “khát” mặt hàng gạch ống và cát xây dựng.


Ông Lê Kim Quý - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Kim Môn (đường Lê Hồng Phong, Nha Trang) cho biết, từ đầu năm, giá các mặt hàng VLXD đã âm ỉ tăng do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng để tái tạo sản xuất; thứ hai là chi phí nhân công tăng và xăng dầu tăng giá. Tuy nhiên, giới kinh doanh VLXD vẫn cố gồng gánh, không dám tăng giá thành nhanh, mức tăng chỉ dao động từ 3 - 4%. Từ cuối tháng 4, khi lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra tải trọng xe trên đường đã khiến các doanh nghiệp, chủ xe đồng loạt tăng giá cước vận tải hàng hóa. Nguyên nhân này như “giọt nước tràn ly”, đẩy giá VLXD tăng nhanh từ đầu tháng 5 đến nay. “Trước đây, cước vận chuyển hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang chỉ 800.000 đồng/tấn, nay tăng lên 1 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế VAT). Để bù vào cước vận chuyển, chúng tôi phải tăng giá bán. Cuối cùng, gánh chi phí tăng lên là người tiêu dùng. Trong khi đó, đa số người dân đều phải gom góp rất lâu, thậm chí cả đời mới có thể xây được căn nhà mới, chứ người buôn bán như chúng tôi ảnh hưởng không nhiều. Đó mới thực sự là điều đáng lo” - ông Quý nói.

 

Giá vật liệu xây dựng tăng làm tăng chi phí các công trình xây dựng.
Giá vật liệu xây dựng tăng làm tăng chi phí các công trình xây dựng.


Nhà thầu và chủ đầu tư lo lắng


Giá VLXD tăng không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn tác động mạnh đến từng dự án, công trình và cả thị trường bất động sản nói chung. Nguy cơ đội giá của các dự án, công trình xây dựng được dự báo là khó tránh khỏi.


Ông Nguyễn Ngọc Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng CMC cho biết: “Hiện Công ty đang có một công trình có nguy cơ thua lỗ. Bởi thời điểm ký hợp đồng với khách hàng là trước Tết, lúc giá cả VLXD đang ổn định. Công trình hiện mới tiến hành xây dựng ở phần móng, với giá VLXD tăng như hiện nay thì chi phí công trình đã đội giá lên 7 - 15%. Chủ đầu tư không chịu đàm phán lại giá cả thì thua lỗ là chắc!”. Còn ông T.A - một nhà thầu xây dựng chia sẻ: “Chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm từ 60 - 70% tổng dự toán. Trong tình hình hiện nay, nếu nhà thầu và nhà đầu tư không đàm phán được với nhau hoặc do năng lực đầu tư yếu thì rất dễ có nguy cơ nhà thầu chấp nhận chịu phạt hoặc “bỏ của chạy lấy người” như đã từng xảy ra vào năm 2008...”.


Theo nhận định của giới kinh doanh VLXD, mật độ xây dựng trên địa bàn đã tăng 15 - 20% so với đầu năm. Đó là chưa kể dự án mở rộng Quốc lộ 1A cũng là cơ hội để thị trường và nhu cầu xây dựng tiếp tục tăng mạnh. Vì vậy, sự biến động giá nguyên vật liệu so với dự toán đang tạo ra một sức ép đáng kể lên người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa cũng như các nhà thầu, nhà đầu tư các dự án, công trình lớn. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ thị trường, tăng cường kiểm tra quản lý giá trên địa bàn để ổn định thị trường.


THU HIỀN