12:01, 22/01/2023

Xứ Trầm Hương - linh thiêng và huyền thoại

"Lật trang xưa, tìm dấu cũ, ta ơn người mở cõi đất phương Nam…", lời trong ca khúc của nhạc sĩ Hình Phước Long cứ vấn vương trong tâm trí khi nghĩ về hành trình 370 năm hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa. Dọc dài lịch sử, tuy dinh Thái Khang xưa và tỉnh Khánh Hòa nay đã trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn rạng ngời hào khí của một vùng đất linh thiêng và huyền thoại.

“Lật trang xưa, tìm dấu cũ, ta ơn người mở cõi đất phương Nam…”, lời trong ca khúc của nhạc sĩ Hình Phước Long cứ vấn vương trong tâm trí khi nghĩ về hành trình 370 năm hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa. Dọc dài lịch sử, tuy dinh Thái Khang xưa và tỉnh Khánh Hòa nay đã trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn rạng ngời hào khí của một vùng đất linh thiêng và huyền thoại.


Đất và người thuần hậu


Khánh Hòa ngày nay, thuở xưa là xứ Kauthara của vương quốc cổ Chămpa. Đặc biệt, đây từng là thánh đô của người Chăm với những dấu tích còn lưu lại, như: Tháp Bà Ponagar, bia Võ Cạnh… Lật trang sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thấy có chép rằng: “Vào mùa xuân năm Quý Tỵ 1653, trong tiến trình mở rộng cương giới Tổ quốc Đại Việt, theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Tần, quan cai cơ Hùng Lộc đã lấy vùng đất từ bờ bắc sông Phan Rang ra đến núi Đá Bia - đèo Cả lập ra dinh Thái Khang gồm 2 phủ Diên Ninh và Thái Khang...”. Với việc đặt dinh Thái Khang và phân chia các đơn vị hành chính cấp phủ, cấp huyện, chúa Nguyễn Phúc Tần đã đưa vùng đất này vào lãnh thổ Đại Việt. Để từ đây, chúng ta có dấu mốc thời gian cho sự mở đầu hình thành địa phận hành chính của tỉnh Khánh Hòa ngày nay. 

   
Từ thuở xa xưa, người dân Khánh Hòa đã truyền nhau câu ca: “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương/Non cao biển rộng, người thương đi về/Yến sào ngon ngọt tình quê/Sông sâu đá tạc lời thề nước non”. Đây như một lời đúc kết về đặc điểm tự nhiên, sản vật quê hương và cả tính cách của người dân nơi đây. Tính cách đó, nét đẹp đó được sử xưa chép lại rằng: “Phong tục thuần hậu, tập quán quê mùa. Kẻ sĩ chất phác mà trầm tĩnh, nhân dân kiệm mà lành… Dân ở ven biển làm nghề chài lưới, dân ở ven núi làm nghề cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm dệt cửi… phần nhiều đơn giản không chuộng xa hoa. Các việc đám cưới đám ma hay giúp đỡ lẫn nhau”.


Đất và người Khánh Hòa vốn thuần hậu, hiền hòa, nhưng khi có biến cố thì người dân nơi đây cũng ngoan cường đi theo con đường chính nghĩa. Những dấu tích còn lưu lại liên quan đến phong trào Tây Sơn trên đất Khánh Hòa như: đèo Cổ Mã, Hòn Khói, Cù Huân, Thành Diên Khánh… vẫn gợi nhắc về giai đoạn lịch sử 1773 - 1795. Rồi khi hưởng ứng chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược, những thủ lĩnh phong trào ở Khánh Hòa như: Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh… đã anh dũng đứng lên chống giặc, để lại danh thơm đến muôn đời. Đặc biệt, ngay sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), đến ngày 24-2-1930, Đảng bộ Khánh Hòa đã được công nhận là một bộ phận của Đảng. Phong trào cách mạng từ những ngày đầu có Đảng tại Khánh Hòa cũng sục sôi khí thế với cuộc biểu tình 16-7-1930 tại huyện Ninh Hòa để ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ủng hộ Liên bang Xô Viết, đòi quyền dân chủ, dân sinh. Cách mạng tháng Tám thành công, Mặt trận 23-10 Nha Trang lại vang dội cả nước trong suốt 101 ngày đêm anh dũng chiến đấu kiên cường, kìm chân giặc Pháp đã được Bác Hồ khen ngợi. Tấm gương anh dũng của các liệt sĩ Võ Văn Ký, Trần Tạo trong những ngày đầu chống Pháp đến các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ như: Trần Thị Tính, Cao Minh Phi, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Bo Bo Tới, Cao Văn Bé… đã làm rạng ngời khí phách kiên trung và viết nên những huyền thoại của người dân Khánh Hòa. Cùng với cả nước, nhân dân Khánh Hòa đã góp phần làm nên trang sử oai hùng của dân tộc.


Một tiểu vùng văn hóa


Tuy trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng đời sống tinh thần của người dân Khánh Hòa vẫn thể hiện được bản sắc riêng. Từ xa xưa, tín ngưỡng thờ cúng nữ thần Po Inư Nagar của cộng đồng người Chăm và Mẹ xứ sở Thiên Y A Na của người Việt đã giao thoa, giao hòa với nhau. Tất cả cùng hội tụ tại di tích Tháp Bà Ponagar cổ kính, linh thiêng. Truyền thuyết của người Chăm về nữ thần Po Inư Nagar được hình thành từ áng mây và bọt biển mang đậm màu sắc văn hóa gia đình theo chế độ mẫu hệ, sang huyền tích của người Việt về Mẹ xứ sở Thiên Y A Na đã biểu lộ tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc rất sâu đậm. PGS.TS Trần Thị An - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Xét từ bề mặt ngôn ngữ, có vẻ như câu chuyện về nữ thần Po Inư Nagar của người Chăm không có liên quan nhiều đến câu chuyện về Thiên Y A Na mà chúng ta biết về vị Thánh Mẫu đang được thờ ở Tháp Bà. Tuy nhiên, xét theo cấp độ siêu ngôn ngữ và cấp độ siêu câu chuyện thì sẽ thấy những mạch ngầm lưu chuyển…”.


Cái mạch ngầm văn hóa xứ Trầm Hương cứ âm thầm chảy mãi như sợi dây gắn kết quá khứ với tương lai. Di sản văn hóa của người xưa để lại trên vùng đất Khánh Hòa không chỉ là những di tích, những giá trị hữu hình. Đó còn là những đức tính, phẩm chất quý giá tiềm ẩn trong đời sống, trái tim của mỗi người dân nơi đây về: Tình yêu quê hương đất nước; truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất và dũng cảm; tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng và bảo vệ quê hương... Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban cho rằng, từ những làn điệu dân ca trong sáng, trữ tình mang âm thanh quê hương xứ sở, từ những lời ru, tiếng hát, điệu múa, giá trị tiềm ẩn về tín ngưỡng truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp, những lễ hội dân gian của người dân Khánh Hòa… đã góp phần tạo nên sức mạnh, niềm tin, tinh thần trong tâm hồn mỗi người.


Nét đẹp văn hóa của Khánh Hòa vừa đậm đà bản sắc, vừa đa dạng loại hình, đó là bởi sự ảnh hưởng của đặc điểm điều kiện tự nhiên và nhân văn. Đây là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển, đảo. Ngược lên huyện Khánh Sơn, tìm hiểu về di tích Dốc Gạo để hiểu thêm về những bộ đàn đá mang thanh âm núi rừng ngân nga. Những dấu tích để lại ở di chỉ này đã đủ cơ sở để các nhà khảo cổ học cho rằng đây là “công xưởng chế tác đàn đá thời tiền sử khổng lồ nhất ở Việt Nam”. Khánh Sơn còn biết đến là xứ sở của những làn điệu sử thi nổi tiếng của đồng bào Raglai. Xuôi xuống miền đồng bằng, chúng ta có cả một nền văn hóa đình làng trong tổng thể của truyền thống văn hóa làng xã Việt Nam. Hệ văn hóa đình làng, chùa chiền, miếu mạo… dưới sắc thái văn hóa truyền thống của những nông dân cần cù, chăm chỉ được biểu hiện qua các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Am Chúa, lễ hội Tháp Bà, lễ hội cúng đình… được lưu truyền đến hôm nay. Đi về miền biển, những ngư dân ở các làng biển vẫn gìn giữ các lễ hội cúng đình, cúng lăng, lễ hội Cầu ngư, tín ngưỡng thờ cúng cá voi, cùng những điệu hò bá trạo mênh mang sóng nước… Tất cả góp phần tạo cho Khánh Hòa có những đặc trưng văn hóa thật tiêu biểu và độc đáo. Nhiều nhà văn hóa học đã coi Khánh Hòa là một tiểu vùng văn hóa của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên với tên gọi xứ Trầm Hương.


Lịch sử 370 năm hình thành và phát triển cũng là một quá trình hun đúc nên phẩm chất, ý chí, tinh thần của các thế hệ người dân Khánh Hòa xưa và nay. Đó là nguồn lực để chúng ta vững tin tiếp bước, góp phần làm phong phú, tô đậm thêm truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa cho đất và người xứ Trầm Hương.


Nhân Tâm