Chỉ cần nghe nhiêu đó thôi thì bao kẻ lữ thứ rời làng quê, đồng lúa, mái đình lên phố xá ngược xuôi tìm kiếm kế sinh nhai, hay hàng triệu người Việt tha hương bất kì nơi nào trên thế giới cũng thấy nôn trong dạ.
Tết!
Chỉ cần nghe nhiêu đó thôi thì bao kẻ lữ thứ rời làng quê, đồng lúa, mái đình lên phố xá ngược xuôi tìm kiếm kế sinh nhai, hay hàng triệu người Việt tha hương bất kì nơi nào trên thế giới cũng thấy nôn trong dạ. Những người cả năm làm lụng cực nhọc chỉ ngóng mong tới ngày này, bằng bất cứ giá nào cũng cố gắng thu xếp mua vé máy bay, tàu xe về nhà đi chợ hoa, bánh mứt, hay ngồi quanh quần gói đòn bánh tét, dọn dẹp cửa nhà, xúng xính áo quần thăm bà con họ hàng và ấm êm với gia đình trong bữa cơm tất niên giữa chiều nhạt nắng.
Mà dân Ninh Hòa chuẩn bị ăn Tết sớm lắm nhen. Khi trận lụt cuối cùng vào dịp 23-10 âm lịch đổ về, hoa bìm bìm nở trắng một khúc sông, báo hiệu mùa lũ năm nay đã chấm dứt rồi, bà con bắt đầu rục rịch chuẩn bị xuống giống, trồng rau, lo chăm chút vườn tược, bông cỏ, trái cây để kịp ra quả, đơm hoa bán Tết. Những nhà buôn ngoài chợ bắt đầu vào Nam, ra Bắc tìm nguồn hàng hóa, xoong nồi, bánh kẹo hay củ kiệu, măng khô, hành tiêu ớt tỏi nhập về để chuẩn bị cho một cái Tết ấm êm trước mặt. Bà con làm bánh kẹo cũng mua bột, trữ đường, giấy báo thiệt sớm để giá rẻ hơn, chứ cận ngày mọi thứ tăng lên chóng mặt. Ai chuyên gói bánh tét thì lo mua nếp, đậu phộng, đậu xanh, dây nhợ trữ đầy bồ. Lo tới hàng thịt đặt cọc mua thịt mỡ, chạy tới vườn dặn người ta để cho mình lá chuối loại ngon để gói bánh không hao hụt.
Sau rằm tháng Chạp, dù có bận trăm công ngàn việc nhưng ít nhiều má cũng chuẩn bị cho gia đình một cái Tết ấm êm. Má sai chị ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát sống chứ không ngâm vô nước đường nấu nguội bởi me sẽ ra nhớt nhanh, không để được lâu. Mua vài kí kiệu, phơi héo, cắt rễ, lột vỏ, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha giấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, lấy dao (miếng thiếc bén ngón, lượn sóng như mái tôn) cắt miếng cỡ đầu ngón tay, phơi hai nắng rồi bỏ thẩu làm dưa món. Mua mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, hột đưa, thẩu bánh thửng, mấy đòn bánh tét về để trong bếp, cúng ông bà và đãi khách. Chiều hai chín đi mua mấy nải chuối, trái cây chưng mâm ngũ quả, hoa cúc, sống đời, huệ trắng cắm bàn thờ.
Chuyện bếp núc là của phụ nữ. Đàn ông có nhiệm vụ cao cả hơn ở nhà trên: Quét mạng nhện, tô vôi tường và chà chân đèn trên bàn thờ ông bà. Mạng nhện thì lấy sống lá bó lại thành chổi, quét mọi ngõ ngách nhà, hay dưới gầm giường, gầm tủ. Hồi đó làm gì có đủ tiền mua sơn quét tường. Thế là cứ lấy vôi trắng hay màu hòa với nước, cầm chổi sơn lại tường cho thơm mùi vôi mới.
Cả năm trời, khói bụi bám đầy chân đèn. Tết nhất phải chà cho sạch để tỏ lòng thành kính. Nghề này ăn nên làm ra lắm luôn. Chỉ một góc nhỏ thôi là kiếm được tiền triệu. Chà suốt ngày không hết khách. Nhiều người, như nhà tôi, lại thích tự làm cho sáng bóng. Đơn giản thí mồ, chạy qua nhà hàng xóm xin mớ khế chua. Ra bếp lấy tro, trộn chút nước sau đó cắt khế làm đôi, bôi tro lên chà mọi ngóc ngách của chân đèn. Đâu chừng vài bận, lấy khăn lau khô. Chân đèn sáng bóng như gương nhìn rõ mặt người là được.
Khi ấy, bếp gas, lò điện là một khái niệm rất đỗi mơ hồ. Nhà nào sang lắm thì sắm cái lò xô đốt bằng dầu lửa, khói bay mù mịt. Ít sang hơn thì xài lò đất nung chụm bằng than với củi. Khổ hơn nữa thì ra hợp tác xã trả tiền, hốt cả chục bao trấu về xài. Người dân quê trân trọng và kính sợ ông Táo như một vị thần hộ mạng. Chắc do nhà nào ngày cũng nấu cơm ba bữa, chẳng ăn hàng quán như giờ. Phía chái bếp lúc nào cũng có bàn thờ, bụi khói bám đầy đen nhẻm. Khi nấu cơm, dù có bực bội tức tối gì đi chăng nữa thì không được lấy đũa bếp gõ mạnh lên quả lò, cũng chẳng được “dằn mâm xán chén” ngay tại bếp. Bởi ông bà táo quân chịu khổ đội xoong nồi, phục vụ cho nhà mình rồi, làm như thế là không phải đạo.
Cuối năm, nhà nào cũng sắm sửa cho mình cái lò đất nung mới. Sau rằm tháng Chạp, ngoài thịt thà, bánh mứt, má mua quá trời lò nung lớn nhỏ đủ kiểu, của thương lái ở Bàu Trúc, từ Ninh Thuận chở ra, chất đống bán cho bà con. Phải là lò Bàu Trúc người mua mới chịu nhen. Hổng biết đất sét nơi đó tốt đến đâu, mà khi nung lên, lò đỏ rực một màu thương nhớ. Tối nào dọn hàng, tôi cũng cẩn thận rinh vô, chứ lỡ tay bể một cái là lỗ sặc gạch. Miệng lẩm nhẩm đếm, hôm nay bán được bao nhiêu cái rồi. Năm nào cũng sợ bán hổng trôi. Nhưng tới chiều ba mươi là sạch trơn. Nhiều khi quên để lại một hai cái cho nhà xài, phải chạy liền ra chợ mua chứ không là hết.
Đêm 23 tháng Chạp, bà con khắp xóm cúng mâm cơm, đốt giấy tiền vàng bạc, tiễn ông Táo về trời báo cáo chuyện trần gian, nhà cửa với Ngọc Hoàng. Ba thắp nhang, miệng lầm rầm khấn vái, mong ông bà Táo nói tốt cho gia đình, để ông Trời thương tình, phù hộ cho gia đình sang năm làm ăn thuận lợi. Cúng xong, ba sẽ thay lò mới. Sai tụi nhỏ cẩn thận đem cái cũ ra bỏ sau hè, hay mang ra gốc đa giữa làng, hoặc xuống đường luồng đi chợ mà để nhẹ nhàng, không được làm bể kẻo bị quở trách. Đêm Giao thừa, ba lại tiếp tục đốt giấy mời ông Táo về lại trần gian, nhập vô chái bếp để tiếp tục một năm canh giữ bếp núc cho gia đình.
Cúng thần bếp xong rồi, phải chuyển qua cúng thần giếng. Từ giữa trưa đêm ba mươi, trong nhà có bao nhiêu nồi niêu xoong chảo, thau chậu, anh chị đều trưng dụng hết để xách nước đổ vô trữ xài. Tới chiều, ba đem cái gầu cất đi, không ai được xách nước cho tới tận sáng mùng ba. Ba lấy cái nia đậy lên miệng giếng. Để trái cây, bông, nước, lư hương lên, thắp nhang khấn vái, mong thần giếng nghỉ ngơi sau một năm vất vả. Sang năm lại tiếp tục phục vụ gia đình và trời có khô hạn cỗi cằn, cũng xin thần cho mạch luôn thông, nước lúc nào cũng đầy ăm ắp.
Trong suốt ngày mùng một Tết, không ai được quét rác ra khỏi nhà vì làm như thế năm mới năm me, tiền bạc, lộc tài ra hết. Cứ dồn vào một góc, sáng mùng hai hốt sạch cũng chẳng ai nói gì. Mà rác mấy ngày Tết toàn hột dưa với vỏ bánh mứt nên không sợ dơ dáy.
Vèo một cái mấy chục cái Tết đã đi qua. Thời gian không đợi chờ ai hết.
Mỗi lần về, nhìn rui mè còn sót lại của ba, mái ngói phủ đầy rêu xanh của má, cái gạc măng rê mối mọt gặm mòn, chén dĩa tách ly sứt cán mẻ quai nhưng thiệt tình không nỡ bỏ. Những lúc quây quần bên bữa cơm chiều, hay mâm cúng tất niên, chúng tôi tóc đã hoa râm, gương mặt dày dạn gió sương, ngậm ngùi nhắc chuyện má với ba, mắt mũi bỗng thấy cay xè, có ai đánh đòn đau đâu mà tự nhiên hu hu ngồi khóc.
Những nếp nhà năm xưa giờ không ai biểu ai bày, cũng chẳng có đòn roi căn dặn, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện đủ đầy, rồi tiếp tục dạy dỗ cháu con, không sót một mảy may nào hết.
NGUYỄN HỮU TÀI