07:01, 23/01/2023

Kỳ thú Mũi Dù

Đến Mũi Dù - điểm cực đông của thị xã Ninh Hòa những ngày đầu năm, chúng tôi được khám phá những trầm tích, hóa thạch có hàng triệu năm vẫn hiện hữu nơi đây và cùng hòa mình vào cuộc sống bình dị của người dân nơi này…

Đến Mũi Dù - điểm cực đông của thị xã Ninh Hòa những ngày đầu năm, chúng tôi được khám phá những trầm tích, hóa thạch có hàng triệu năm vẫn hiện hữu nơi đây và cùng hòa mình vào cuộc sống bình dị của người dân nơi này…


Vẻ đẹp hoang sơ


Một lần tình cờ lên mạng Internet, chúng tôi đọc được bài viết của một nhà địa chất học ở Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) viết về Mũi Dù. Theo tác giả bài viết, khu vực Mũi Dù thuộc núi Cấm, là điểm cực đông của thị xã Ninh Hòa. Nơi đây có các vách đá được cấu tạo bởi các lớp đá trầm tích bị uốn nếp rất đặc trưng. Trong các lớp trầm tích, bằng mắt thường thấy rất nhiều hóa thạch có niên đại cách đây khoảng 174 triệu năm.

 

1

Toàn cảnh Hòn Dù.  

 


Với những thông tin có được, chúng tôi liên hệ và may mắn được theo chân một số nhà địa chất học trong nước tới khảo sát khu vực này. Nhờ bờ kè được xây mới hơn 1 năm nay, chạy dọc bờ biển của tổ dân phố Đông Hải 1 và Đông Hải 2, phường Ninh Hải nên con đường đến khu vực Mũi Dù được rút ngắn từ 45 phút xuống 15 phút đi bộ. Đi hết bờ kè, men theo con đường nhỏ ôm triền núi, chúng tôi tới rìa đông Mũi Dù. Dọc đường đi, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những tảng đá nằm gần bờ xuất hiện những hóa thạch, hay những hố đất lộ thiên, bên dưới là các tảng san hô chết có niên đại hàng triệu năm như bài báo mô tả. Leo lên đến khu vực chính của Mũi Dù, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nơi đây. Toàn bộ khu vực là một mũi đất liền nhô ra giữa biển, phân chia bắc vịnh Vân Phong và nam vịnh Vân Phong với cảnh quan tuyệt đẹp.

 

Các tảng đá có hình dạng  xếp  thẳng đứng, xếp chồng lên nhau.

Các tảng đá có hình dạng xếp thẳng đứng, xếp chồng lên nhau.


Điểm thu hút ở đây là các mũi, bãi đá khá rộng với các hình dạng, cấu trúc rất kỳ lạ và đa dạng. Các lớp đá có độ dày mỏng, màu sắc, độ cứng, cấu tạo khác nhau. Có khu vực lớp đá uốn lượn theo chiều đứng, có khu vực được sắp xếp theo chiều nghiêng, có nơi được xếp nằm chồng lên nhau. Sự thay đổi liên tục về cấu tạo hình dáng các lớp đá nơi đây tạo sức hút lớn đối với người lần đầu ghé thăm. Không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp độc đáo của các lớp đá, xen kẽ với các mũi, bãi đá có hai bãi cát dài vài trăm mét với cát thô lẫn vụn san hô trắng. Tiếp sau là núi Cấm cao hơn trăm mét với thảm thực vật với nhiều loại cây, trong đó có cây phong ba được phát hiện mọc tự nhiên ở khu vực này.


Ông Nguyễn Ba - người dân ở đây cho biết, tên gọi Mũi Dù do người dân tự đặt, dựa theo hình dáng doi đất cuối cùng phía đông của phường Ninh Hải. Hiện tại, ở địa phương vẫn còn truyền nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, cho đây là phần đất đá mà vị thần khổng lồ làm rơi vãi khi tạo tác vùng đất Hòn Khói.


Hóa thạch có niên đại hàng triệu năm


Cùng chúng tôi đến đoạn bờ khu vực rìa đông Mũi Dù - núi Cấm, Thạc sĩ Phạm Bá Trung - Phòng Địa chất biển, Viện Hải dương học, người nhiều lần khảo sát khu vực này chỉ cho mọi người thấy các vách đá trầm tích ở đây. Các vách có chiều cao trung bình 15 - 25m, chiều dài kéo dài 2 - 2,5km. Trong các lớp trầm tích, bằng mắt thường, chúng tôi thấy rõ các hóa thạch gỗ, bút đá và cúc thạch, vò sò, ốc... “Cúc thạch (ammonite) có trong lớp trầm tích này là sinh vật có thời kỳ địa chất kỷ Jura cách đây khoảng 174 triệu năm. Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện hóa thạch gỗ silic. Những phát hiện này rất có ý nghĩa trong việc xác định tuổi địa chất, điều kiện cổ môi trường của các thành phần tạo trầm tích vũng vịnh ven bờ nơi đây và khu vực xung quanh”, Thạc sĩ Trung chia sẻ.

 

1

Các hóa thạch có niên đại hàng triệu năm được phát hiện ở Mũi Dù.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - thành viên đoàn khảo sát, Hội Đệ tứ và Địa mạo Việt Nam, khu vực Mũi Dù - núi Cấm chỉ cách khu dân cư khoảng 1km, cách Khu du lịch Dốc Lết khoảng 2km. Khu vực này còn khá hoang sơ, có cảnh quan tự nhiên hấp dẫn với các vách đá được cấu tạo bởi các lớp đá trầm tích rất đặc trưng, nhô ra sát biển và ngay trên bề mặt bãi triều. Đặc biệt, trong các lớp trầm tích có chứa nhiều hóa thạch và hóa thạch gỗ, không những lộ trên đất liền ven chân núi mà còn lộ ngay trên bề mặt bãi đá do sóng vỗ mài mòn, hiếm nơi có được… Vì vậy, khu vực này không chỉ có giá trị về phát triển du lịch, mà còn về mặt giáo dục truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn các giá trị khoa học về địa chất. Với các đặc điểm, giá trị nêu trên, cùng với việc đi lại, tiếp cận khá dễ dàng, khu vực này có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ cảnh quan và các di sản thiên nhiên để phát triển thành một khu du lịch núi - biển.


Cát Đan