12:01, 22/01/2023

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để kinh tế - xã hội phát triển tốt nhất

      

. Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

 

Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Tỉnh đã đặc biệt chú trọng và khẩn trương thực hiện công tác xây dựng lập các quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, xem đây là cú hích để Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, cả hệ thống chính trị toàn tỉnh và các tầng lớp nhân dân đã và đang tiếp tục tập trung cao độ triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa, với những giải pháp đột phá được đề ra nhằm đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển đạt mức tốt nhất trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh


Vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội


Trong năm 2022, được sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời ứng phó, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu phục hồi và phát triển mạnh; các chỉ tiêu phát triển kinh tế ước tăng cao so với năm 2021. Cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 20,7%, trong đó GRDP theo ngành kinh tế ước tăng 22,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 21,68%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 84.050 tỷ đồng, tăng 52,4%; doanh thu du lịch ước đạt 13.500 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.600 triệu USD, tăng 22,9%; thu nội địa ước đạt 12.700 tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán và tăng 5,9% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 61.978 tỷ đồng, tăng 15%... Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, lao động và việc làm theo đúng quy định, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 3,53%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,62%. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

 

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân tặng quà  cho đoàn công tác trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Trường Sa.

Ông Nguyễn Tấn Tuân tặng quà cho đoàn công tác trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Trường Sa.


Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã khẩn trương cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 ngày 16-6-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạo cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 09 đề ra. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu những nội dung trình Tỉnh ủy cho ý kiến, như: Danh mục dự án đầu tư công trọng điểm đưa vào kế hoạch đầu tư công (bổ sung) giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Danh mục các dự án kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào Khu Kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022 - 2025; Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa; Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; Đề án thành lập trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương; Đề án giảm nghèo đối với huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh đã xây dựng, trình HĐND tỉnh thông qua một số nghị quyết để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương có liên quan xây dựng nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.


Chú trọng lập quy hoạch và giải phóng mặt bằng


Đối với công tác quy hoạch: Tỉnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch quan trọng làm cơ sở để thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm. UBND tỉnh đã hoàn thành phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm đầu kỳ quy hoạch của 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, triển khai kế hoạch phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu đô thị ở các địa phương phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh theo Nghị quyết số 09.


Về công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện 4 dự án đường bộ cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành liên quan triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đến nay cơ bản đáp ứng được tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, với kết quả như sau: Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đạt 100% và Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm đạt 99,5%, đang hoàn tất các công việc còn lại để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đạt hơn 70%. Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) đang bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Để đạt được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, sự nỗ lực của chủ đầu tư, tỉnh Khánh Hòa đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tích cực tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng.


Những giải pháp đột phá để phát triển


Khánh Hòa nằm giữa hai thành phố lớn trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đây là lợi thế trong giao lưu kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh. Khánh Hòa cũng là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm nông, thủy sản; đồng thời cung cấp cho cả nước các sản phẩm có thế mạnh. Bên cạnh đó, Khánh Hòa là tỉnh trung tâm của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có ngành công nghiệp chế biến thủy sản phát triển mạnh; cũng là 1 trong 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch quốc gia, là địa bàn du lịch có vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống tuyến, điểm du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung…


Đi kèm với những thuận lợi là những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, quy hoạch…; thách thức của bài toán phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; giải quyết các vấn đề huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sự tụt hậu về khoa học và công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…


Để phát triển kinh tế - xã hội đạt mức tốt nhất trong năm 2023, tỉnh đề ra một số giải pháp đột phá như sau:


Một là, tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch: Hoàn thành và tổ chức triển khai có hiệu quả các quy hoạch quan trọng của tỉnh như đã nêu ở trên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch được phê duyệt; điều chỉnh và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.


Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị: Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 1165 của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Chương trình hành động số 30 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nội dung đề ra tại Kế hoạch số 6524 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, nhằm tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược.


Ba là, đẩy mạnh công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh: Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; tích cực mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; khẩn trương ban hành Danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022 - 2025; thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh. Đồng thời, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách nhằm khơi thông và huy động kịp thời, hiệu quả các nguồn lực lớn trong, ngoài nước để hiện thực hóa các quy hoạch của tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn.


Bốn là, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2023: Tổ chức rà soát, kịp thời bổ sung, điều chỉnh hợp lý kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không manh mún, dàn trải. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai danh mục dự án đầu tư công trọng điểm đưa vào kế hoạch đầu tư công (bổ sung) giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023…


Năm là, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để bổ sung khai thác nguồn thu: Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch huy động, khai thác, sử dụng nguồn thu từ đất đai để ưu tiên đầu tư, xây dựng các dự án trọng điểm mang tính kết nối, tạo động lực; các công trình văn hóa - xã hội lớn; các chương trình phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; chuyển đổi số. Đồng thời, tích cực thu nợ đọng thuế, phấn đấu thu ngân sách năm 2023 vượt chỉ tiêu đề ra.

 

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân  và đoàn công tác của tỉnh chụp hình lưu niệm tại hội thảo hợp tác du lịch Ulsan - Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Tấn Tuân và đoàn công tác của tỉnh chụp hình lưu niệm tại hội thảo hợp tác du lịch Ulsan - Khánh Hòa.


Sáu là, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nông sản Khánh Hòa; triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam. Đối với sản xuất công nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh; triển khai các dự án có tính động lực, sử dụng công nghệ cao; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có, như: Hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy; các cụm công nghiệp Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân; Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1…; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các khu chức năng phát triển công nghiệp trong Khu Kinh tế Vân Phong. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường các giải pháp nâng cao doanh thu của ngành du lịch và dịch vụ theo hướng bền vững; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.


Mặt khác, tỉnh tập trung phòng, chống và kiểm soát tốt dịch bệnh; hoàn thành và đưa vào hoạt động các công trình Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang và Bệnh viện Ung bướu Khánh Hòa; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; bảo đảm an ninh - quốc phòng, quyết liệt chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…


N.T.T