Trong ký ức của nhiều người lớn và trẻ con thời bao cấp vẫn còn đọng lại vị Tết của những tháng năm khó khăn xưa cũ. Tết Nha Trang của nhà tôi bắt đầu bằng việc mẹ nói với cha là nhà mình sẽ bán heo trong một bữa cơm nào đó đầu tháng Chạp.
Trong ký ức của nhiều người lớn và trẻ con thời bao cấp vẫn còn đọng lại vị Tết của những tháng năm khó khăn xưa cũ. Tết Nha Trang của nhà tôi bắt đầu bằng việc mẹ nói với cha là nhà mình sẽ bán heo trong một bữa cơm nào đó đầu tháng Chạp. Heo thời ấy nuôi lâu lớn lắm, thường phải nuôi từ đầu năm đến cuối năm mới được xuất chuồng. Con heo như là sự tích lũy của gia đình suốt cả năm để dành đón năm mới. Chẳng riêng gì nhà tôi mà cả xóm, cả phố hầu như nhà nào cũng nuôi heo, ít nhất là một con và đối với trẻ con thì bán heo là sẽ có áo mới và đồ ăn ngon đón Tết. Chả thế mà có năm nào đó, cô bạn cùng lớp tôi buồn bã tâm sự là heo nhà sắp bán thì lại lăn đùng ra ốm khiến mẹ và bà của cô phải rơi nước mắt. Có tiền bán heo, mẹ tôi bắt đầu sắm sửa Tết. Với lũ trẻ chúng tôi, sung sướng nhất là đến Tết sẽ có quần áo mới để mặc, ước mơ giản đơn của tuổi thơ chưa biết khó khăn của cuộc sống là gì.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi viết “Mùi của ký ức” có nói rằng chính mùi đã gợi cho chúng ta nhớ rất nhiều về ký ức. Mùi của Tết khiến cho bao người không thể quên hương vị của tình thương, hình ảnh của cha mẹ, mái nhà sum vầy ấm áp những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới. Nhà tôi ở rất gần biển nên Tết đến có thể chạy ra biển chơi và ngắm những cây bàng lá đỏ trên đường Trần Phú đẹp đến ngỡ ngàng. Bàng Nha Trang không rụng lá vào mùa đông, mà lá bàng chuyển đỏ rất đẹp trong mùa xuân, thắm như màu son nên được gọi là bàng son. Tết Nha Trang trong tuổi thơ của tôi ấn tượng với mùi của lá khô mùa đông. Khu nhà tôi ở người ta quét lá khô thành đống để đốt. Mùi khói lá ấy thật thơm và mang đến cho tâm hồn bé nhỏ của tôi một cảm giác vô cùng ấm áp. Hầu như ít có thực phẩm đã chế biến được bán sẵn nên nhà nào cũng tự làm bánh, làm mứt để đón Tết. Tôi nhớ mùi mứt gừng thơm lừng của bà tôi tỏa lên trong chiếc chảo to. Mấy chị em quây quần bên bếp than của bà, thích thú nhìn bà lật qua lật lại từng miếng mứt gừng và háo hức được thay bà đảo vài cái trong chảo cũng như cho thưởng thức chút mứt vụn vừa khô. Nhà tôi ở ngay giữa phố nhưng vẫn có cây dừa, cây chùm ruột. Ai cũng xin chùm ruột của nhà vì vị chua thôi rồi của nó, hứa hẹn cho ra mẻ mứt ngon. Tôi cũng không thể quên món bánh in và bánh thuẫn. Chú hàng xóm chỉ cho chị em tôi làm món bánh in từ bột nếp trộn với gừng ngào nước đường cùng chút mỡ heo trong veo xắt hạt lựu. Hỗn hợp ấy được nhồi vào cái khuôn gỗ nén chặt, dùng dao bản rộng hớt ngang rồi gõ nhẹ khuôn sẽ làm rơi ra những cái bánh xinh xắn. Bánh in được gói giấy màu rồi xếp đều lên mâm trông thật đẹp mắt. Còn bánh thuẫn thì được nướng trong khuôn gang, phía trên bỏ mấy cục than. Bánh thuẫn nhà tôi rất ít nở, có mẻ rất cứng nhưng mùi thơm của nó thì không thể cưỡng lại được nên đứa nào cũng xin ăn thử một cái khi vừa đưa ra khỏi lò. Nhớ nhất là cảnh nấu bánh chưng, bánh tét. Nhà tôi đông người nên năm nào cũng nấu một nồi to. Cha mẹ tôi mua lá dong để gói bánh chưng, lá chuối gói bánh tét, vừa làm vừa dạy chúng tôi gói. Hình ảnh lá xanh, nếp trắng, đậu vàng và miếng thịt ba chỉ là những hình ảnh đẹp mắt nhất trong tuổi thơ tôi. Bánh được nấu xuyên đêm sôi sùng sục ở phía trước nhà. Các nhà hàng xóm vừa canh nồi bánh bên bếp lửa vừa cùng nhau chuyện trò vui vẻ. Tôi lúc nào cũng ngủ khì giữa đêm và sáng ra tỉnh dậy, việc đầu tiên là xí phần chiếc bánh chưng con con, háo hức ăn thử thành quả tự tay làm.
Chị tôi được phân công đi mua hoa, thường là thược dược hoặc cúc đại đóa. Chị còn mua thêm hoa vạn thọ và ít hoa hồng về cắm bình bằng bàn chông sắt. Tôi vì nghịch đã từng ngồi nhầm lên cái bàn chông châm vào mông đau điếng. Tôi ít được đi chợ hoa ở chợ Đầm nên hầu như không nhớ nhiều, chỉ nghe cô bạn tôi kể là có nhiều hoa đẹp cũng như trò hô lô tô thu hút rất đông người. Bữa cơm tất niên của nhà tôi là vào trưa ba mươi Tết, khi có đầy đủ mọi người. Tất niên có quá nhiều món ngon giống như bù lại cho cả một năm thiếu thốn.
Đêm giao thừa rồi cũng đến. Chẳng được mấy năm tôi thức đến giao thừa. Năm nào được gọi dậy đón giao thừa thì vui lắm. Nhà nào trong xóm cũng treo một dây phong pháo trước cửa. Pháo là biểu hiện cho sự “sang chảnh” và “đẳng cấp” của mỗi nhà thời ấy. Pháo càng dài, nổ càng to thì nhà ấy sẽ hơn nhà khác, mà hơn về cái gì thì chúng tôi còn chưa rõ. Khi pháo nổ, chúng tôi mê mẩn nhìn ánh lửa, nghe tiếng nổ giòn đanh, hít lấy hít để cái mùi nồng nồng của thuốc pháo và xuýt xoa nhìn đám xác pháo hồng tươi. Đó là mùi rất gây ấn tượng đối với tôi ngày Tết. Tuy nhiên thật sự là pháo gây mất an toàn khi có nhiều tai nạn, nhất là cho trẻ em.
Sáng mùng Một, khi lũ trẻ chúng tôi xúng xính mặc quần áo mới còn thơm mùi vải, trầm trồ khen vải tốt, kiểu đẹp. Lì xì khi ấy đúng nghĩa là mừng tuổi vì người ta dường như không chú ý đến giá trị số tiền trong phong bì. Chúng tôi được dặn dò Tết là phải vui vẻ để cả năm được an vui, hạnh phúc.
Những năm gần đây, nhiều gia đình đã tìm về với thực phẩm an toàn nhà làm và tìm về Tết cổ truyền với những phong tục truyền thống khi xưa. Trường học của các con tôi cũng tổ chức lễ hội mừng xuân, để lại những hình ảnh đẹp về Tết cho các cháu. Vợ tôi cũng tranh thủ thời gian rảnh để làm mứt dừa, thịt ngâm. Tôi cũng bắt đầu gói bánh chưng, bánh tét để các con tôi có những ký ức ấm áp bên gia đình trong dịp Tết dân tộc. Một năm mới nữa lại đến trong mùa dịch muôn vàn khó khăn. Mọi người dường như có thời gian hơn để sống chậm lại với Tết của riêng mình. Điều ước của tất cả chúng ta là mong dịch bệnh sớm qua đi và bình an, hạnh phúc sẽ đến với mọi người, mọi nhà trong năm mới Nhâm Dần.
Lê Minh