Từ bao đời, hình ảnh con trâu gắn liền với văn hóa Việt, đi vào thơ ca mộc mạc và quen thuộc cùng với cây đa, bến nước, sân đình. Gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, hình ảnh con trâu cũng đã đi vào nền võ thuật của nước nhà…
Từ bao đời, hình ảnh con trâu gắn liền với văn hóa Việt, đi vào thơ ca mộc mạc và quen thuộc cùng với cây đa, bến nước, sân đình. Gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, hình ảnh con trâu cũng đã đi vào nền võ thuật của nước nhà…
Trong môn võ cổ truyền Việt Nam có bài quyền diễn tả vẻ đẹp, sức mạnh của hình tượng con trâu vàng từng một thời làm rúng động giới võ lâm. Đó chính là Kim Ngưu quyền, một bài quyền nổi tiếng được võ sư Đoàn Đức Phước, truyền nhân đời thứ 8 võ phái Bích Quang môn biểu diễn trên đất Khánh Hòa cách đây hơn chục năm.
Nguồn gốc bài quyền Kim Ngưu (tức trâu vàng) có từ thời Tây Sơn. Theo dòng lịch sử của dân tộc, võ cổ truyền Việt Nam có rất nhiều dòng, môn phái khác nhau. Mỗi võ phái đều có những bài quyền đặc trưng để tạo dựng nên tiếng tăm riêng trong giới võ lâm. Mãi cho đến hội nghị chuyên môn võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ 1 (năm 1993) tại Đầm Sen - TP. Hồ Chí Minh, bài Kim Ngưu quyền mới được võ sư Trần Văn Đẩu (tự Lê Đẩu) thuộc môn phái Bích Quang - Khánh Hòa giới thiệu và biểu diễn với giới đồng đạo. Đến kỳ đại hội toàn quốc lần thứ 9-2007 diễn ra tại Nha Trang, võ sư Đoàn Đức Phước (học trò của võ sư Lê Đẩu) đã biểu diễn lại bài quyền này cực kỳ thành công. Gần như ngay sau đó, giới chuyên môn đã chọn bài quyền này là 1 trong 18 bài quyền chuẩn để võ sinh cả nước luyện tập rộng rãi. “Ngày ấy vinh dự lắm, tôi được thầy Lê Đẩu và các bậc đàn anh ủy thác toàn quyền phát triển môn phái Bích Quang. Việc bài Kim Ngưu quyền được chọn, in sách và truyền bá rộng rãi là niềm hạnh phúc”, võ sư Đoàn Đức Phước nhớ lại.
Theo võ sư Phước, cái hay, nét đẹp trong bài Kim Ngưu quyền của võ cổ truyền Việt Nam là mỗi thế đánh ứng với một lời thiệu bằng thơ, ca (phú). Kim Ngưu thảo bộ là bài quyền cổ truyền phổ biến trong các làng võ Bình Định. Bài quyền có 22 câu thiệu gồm 64 động tác, có tính cách liên tục là sự kết hợp giữa thân pháp và thủ bộ cước pháp. Bài này, trừ các động tác bái tổ đầu và cuối bài thì có 17 câu thiệu diễn giải thành 17 thế liên hoàn. Các động tác lúc cương, lúc nhu, uyển chuyển nhưng mạnh mẽ giúp người luyện võ có sức khỏe dẻo dai và nâng cao kỹ năng chiến đấu.
Cái hay, nét đẹp trong cách mượn hình tượng xuyên suốt bài Kim Ngưu quyền mỗi thế là một câu thiệu ứng với một hình tượng con vật hoặc mô phỏng một sự việc khác nhau, nhưng khi kết hợp lại là liên hoàn thế diễn tả vẻ đẹp, sức mạnh của trâu vàng. Chẳng hạn, trong lời thiệu bài quyền có câu “Liệt địa đồ thành/Kim Ngưu chiếu giác” được diễn giải là “Nằm trên mặt đất công thành; Trâu vàng liếc nhọn đôi sừng chiến chinh”. Đây là thế đánh nhập nội, dùng cặp chỏ để khống chế đòn đá ngang của đối phương, tiếp đến gài người tung cặp chỏ đánh tiếp giống như hình tượng con trâu dùng cặp sừng sắc bén tấn công đối thủ. Hay như trong bài có các thế thủ, đánh: “Hạ địa tầm châu/Đảo thế hắc hầu/Tùy cơ bạch hổ/Tung hoành ngũ lộ” được diễn giải: “Điểm tay xuống đất tìm châu/Lui mình trở bộ thành hình khỉ đen/Bung ra cọp trắng vồ mồi/Dọc ngang năm hướng phá tan lũy đồn”. “Hình tượng thơ ca trong các bài quyền võ cổ truyền Việt Nam đan xen lẫn nhau, trong võ vừa có hình quyền, vừa có ý quyền. Hiểu được tâm ý của các thầy ngày xưa càng tập càng thấy hay”, võ sư Đoàn Đức Phước chia sẻ.
Kim Ngưu quyền là bài quyền khó, đòi hỏi người tập phải đạt được trình độ võ thuật nhất định nên hầu như chỉ có các huấn luyện viên, võ sư tập luyện. Có lẽ vì thế mà bài Kim Ngưu quyền đã không còn được chọn trong 10 bài quyền chuẩn của võ cổ truyền hiện đại. Nhưng cũng không vì vậy mà bài quyền này bị mai một hoặc mất đi, bởi Kim Ngưu quyền vẫn được lưu truyền trong thư viện các bài quyền võ cổ truyền Việt Nam hay nhất cho đến ngày nay.
An Nhiên