09:02, 13/02/2021

Chuyện phục dựng xương cá voi

Khách du lịch đến thăm Viện Hải dương học (thành phố Nha Trang), dinh Vạn Thủy Tú (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) luôn trầm trồ trước những bộ xương cá voi khổng lồ! Một trong những người góp công sức trong việc tạo hình chính là họa sĩ - thư pháp gia Lê Vũ.

Khách du lịch đến thăm Viện Hải dương học (TP. Nha Trang), dinh Vạn Thủy Tú (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) luôn trầm trồ trước những bộ xương cá voi khổng lồ! Một trong những người góp công sức trong việc tạo hình chính là họa sĩ - thư pháp gia Lê Vũ.


Từ bộ xương cá voi ở Viện Hải dương học


Chuyện bắt đầu từ ngày 8-12-1994, nông dân xã Hải Cường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà - bao gồm Hà Nam và Nam Định, nay thuộc tỉnh Nam Định) trong lúc đào mương thủy lợi đã phát hiện bộ xương khổng lồ bị vùi dưới lòng đất. Các nhà khoa học nhanh chóng vào cuộc và xác định đây là xương của loài cá voi lưng gù đã bị chôn vùi dưới đất khoảng 200 năm, có giá trị rất lớn về khảo cổ học. Để phục vụ cho việc trưng bày và nghiên cứu, bộ xương cá voi được chuyển từ Nam Định về Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) - trung tâm nghiên cứu, bảo tồn biển lớn nhất của Việt Nam.

 

Họa sĩ Lê Vũ bên bộ xương cá voi ở Phan Thiết.

Họa sĩ Lê Vũ bên bộ xương cá voi ở Phan Thiết.


Được sự đồng ý của lãnh đạo Viện Hải dương học, ông Đào Tấn Hổ - khi ấy là Trưởng phòng Kỹ thuật Viện Hải dương học (đã mất giữa năm 2020) cùng ông Chu Anh Khánh - nhân viên kỹ thuật đã mời họa sĩ Lê Vũ tham gia phục dựng xương cá voi để trưng bày. “Khi tôi đến thì thấy bộ xương cá voi để trong mấy chục giỏ cần xé. Bị chôn vùi khoảng 200 năm nên nhiều đoạn bị mục, gãy… Nhìn đống xương ấy thật khó hình dung sẽ làm nên hình dạng gì, nhưng được sự động viên của anh Hổ, cộng thêm bản tính thích làm những điều mới lạ nên tôi đồng ý tham gia”, họa sĩ Lê Vũ nhớ lại.


Theo ông Khánh, khi ấy, ở Việt Nam chưa có nơi nào phục dựng xương cá voi. Để ráp được bộ xương cá voi cần một sự kết hợp tỉ mẫn giữa khoa học và nghệ thuật. Ông Hổ và ông Khánh đã phải nghiên cứu tài liệu, xem xét kỹ các phần xương để đánh số thứ tự, sắp xếp các xương. Những đoạn xương bị gãy, họa sĩ Lê Vũ chỉ đạo nhân công dùng khoan để nối xương, những đốt xương bị thiếu phải đúc xương giả bằng thạch cao để thay thế. “Hai xương ngà (xương hàm dưới) của cá voi bị mất nên tôi phải đúc thạch cao để thay thế. Một số xương sườn, đốt sống cũng phải làm tương tự…”, họa sĩ Lê Vũ cho biết.


Để ráp được xương cá voi, cả nhóm chỉ đạo nhân công làm giàn giáo treo toàn bộ xương lên không trung, các chi tiết vẫn nằm rời nhau. Sau khi căn chỉnh tạo hình đẹp mắt, họa sĩ Lê Vũ đo vẽ, tính toán để làm khung bằng inox, tiếp đến mới ráp xương cố định tạo nên hình dạng. Để tăng thêm tính mỹ thuật, phía dưới ông cho thiết kế bệ đỡ hình con thuyền với khoang thuyền là làn nước xanh, lắp hệ thống đèn chiếu sáng hai bên để ban đêm khách vẫn có thể tham quan.


Ông Khánh vẫn nhớ, việc phục dựng thành công xương cá voi lưng gù của Viện Hải dương học Nha Trang khi ấy là cả một sự kiện lớn. Bởi trước đó, cả nước chưa có nơi nào trưng bày xương cá voi theo kiểu nguyên hình dạng như vậy. Tập tục của ngư dân, khi cá voi bị lụy vào bờ là đem chôn, sau 3 năm cải táng rồi đem cốt vào dinh (đình) để thờ. Chính vì thế, ngày Viện Hải dương học ra mắt bộ xương cá voi lưng gù dài 18m, lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học và du khách đến xem rất đông.


Đến bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á


Việc Viện Hải dương học thành công trong việc phục dựng bộ xương cá voi lưng gù đã khiến “tiếng lành đồn xa”. Năm 2003, Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ngỏ lời nhờ ê kíp cán bộ Viện Hải dương học và Doanh nghiệp tư nhân Mỹ thuật Lê Vũ phục dựng bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết.

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) tham quan xương cá voi ở Viện Hải dương học.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) tham quan xương cá voi ở Viện Hải dương học.


Dinh Vạn Thủy Tú được xây dựng vào năm 1762, gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông (cá voi) của ngư dân. Nơi đây lưu giữ hơn 100 bộ xương cá voi có tuổi đời lên đến vài trăm năm. Trong đó, có một bộ xương cá voi rất lớn với xương ngà (xương quai hàm dài 4,2m), xương sườn dài gần 3m. Theo đúng tâm linh của người đi biển, trước khi làm lễ phục dựng, Ban quản lý dinh Vạn Thủy Tú làm lễ cúng xin phép Ông rất trang trọng. Trong quá trình phục dựng, những mảnh vụn của xương đều được gom lại, bỏ vào phần rỗng của những đốt xương. “So với bộ xương cá voi lưng gù ở Viện Hải dương học Nha Trang, bộ xương của con cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú còn nguyên vẹn nên việc phục dựng ít công sức hơn, những phần bị thiếu được đúc bằng composite nên cũng đẹp hơn. Tuy nhiên, do bộ xương quá lớn nên việc đưa nâng lên cao để ráp vào rất vất vả, phải dùng ròng rọc để kéo…”, họa sĩ Lê Vũ kể.


Bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú được xem là bộ xương cá voi lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á với chiều dài đến 22m, ước tính khi còn sống con cá này nặng 65 tấn. Vì bộ xương quá lớn nên dinh phải cất thêm một nhà lớn để trưng bày. “Ngày làm lễ hoàn công, ngư dân ở Phan Thiết đến xem rất đông và tất cả đều xúc động khi thấy bộ xương của Ông được phục dựng quá đẹp! Sau phút giây ngỡ ngàng, những bậc cao niên làng đứng lặng người, chắp tay vái lạy bộ xương mà các thế hệ làng biển này xem là bậc ân uy của làng. Chúng tôi rất xúc động vì mình đã góp phần công sức nhỏ bé trong việc giữ gìn, giới thiệu một tập tục văn hóa của người dân miền biển”, họa sĩ Lê Vũ nói.


Năm 2011, nhóm tiếp tục được mời phục dựng xương cá voi ở Vạn An Thạnh, thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Ở đây, các “nghệ nhân” đã phục dựng bộ xương cá voi dài 17m, được ngư dân chôn cất và lưu giữ ở dinh từ năm 1960. Bên cạnh đó, nhóm còn phục dựng 5 bộ xương nhỏ hơn, trong đó có bộ xương cá voi được chôn cất đầu tiên (1841) sau khi lập dinh được người dân ở đây kính trọng gọi là Ông cố!


Mới đây, nhóm được mời vào Bến Tre để khảo sát, phục dựng xương cá voi. Trong khi đang chờ đợi chủ đầu tư vận động kinh phí, ông Đào Tấn Hổ đột ngột qua đời. Bộ ba đã khuyết đi một nhưng họa sĩ Lê Vũ và ông Chu Anh Khánh vẫn sẽ tiếp tục với “nghiệp” phục dựng xương cá voi!


T.N