09:02, 13/02/2021

Tiếng sáo gọi tình yêu giữa đại ngàn

Trong không gian núi rừng trùng điệp, mênh mông, tĩnh mịch, tiếng sáo réo rắt, nhặt khoan, vang vọng, nghe sao da diết, thiết tha, như lời thủ thỉ, tâm tình trao gửi giữa đêm trăng…

Trong không gian núi rừng trùng điệp, mênh mông, tĩnh mịch, tiếng sáo réo rắt, nhặt khoan, vang vọng, nghe sao da diết, thiết tha, như lời thủ thỉ, tâm tình trao gửi giữa đêm trăng…


Chuyện về cây sáo kết tình lứa đôi


Gió mát, trăng thanh, tiếng sáo “gọi bạn” cất lên nơi đầu làng, dặt dìu vắt qua con suối, vang vọng qua ngọn đồi, vách núi... tự bao giờ trở thành một phần đặc trưng của thanh âm miền sơn cước. Gặp anh Cao Dy (dân tộc Raglai, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) - người thổi sáo, cũng là “cha đẻ” của cây sáo vỗ đôi ở Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Khánh Hòa lần thứ 15, tổ chức tại thị xã Ninh Hòa vào dịp cuối năm, câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ sự ra đời của tiếng sáo réo rắt ấy. Anh Dy kể: “Mỗi khi dự lễ hội hay giao lưu văn hóa với các làng bản, dân tộc anh em, tìm hiểu nhiều nhạc cụ dân tộc khác nhau của Tây Nguyên, trong tôi chợt dấy lên khát khao chế tác một loại nhạc cụ thể hiện được giai điệu, bản sắc riêng của dân tộc mình. Rồi cách đây mười mấy năm, tôi tự mày mò và tạo ra cây sáo vỗ đôi. Đây là món quà mang nhiều ý nghĩa về tinh thần, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Raglai, cho âm nhạc dân tộc thêm rộn ràng âm sắc”.

 

Anh Cao Dy thổi sáo vỗ đôi  bên thác Yang Bay, huyện Khánh Vĩnh.

Anh Cao Dy thổi sáo vỗ đôi bên thác Yang Bay, huyện Khánh Vĩnh.


“Cũng tạo ra âm thanh bởi các động tác thổi, bấm, rung, day… của đôi tay nhưng tiếng sáo vỗ đôi có đặc trưng riêng, không giống các loại sáo vỗ khác”, anh Cao Dy giải thích rồi đưa sáo lên môi, say sưa thổi giai điệu “gọi bạn” quen thuộc. Tiếng sáo vui tươi, rộn ràng tựa như bước chân đi vội vã trong không gian của núi rừng trùng điệp, tiếng sáo ấy mang âm hưởng Raglai, nhẹ nhàng, sâu lắng giữa mênh mang núi rừng…


Sáo vỗ đôi không chỉ khác biệt ở âm thanh mà còn ở cấu tạo và những thông điệp dung dị, đời thường. Sáo vỗ đôi gồm 2 ống thổi, 1 dài và 1 ngắn, tượng trưng cho trai làng, gái bản. Mỗi ống thổi có cao độ khác nhau, thể hiện 2 âm riêng biệt cho giọng nam và nữ, hòa quyện âm sắc, khi trầm, khi bổng, lúc réo rắt, nhặt khoan, lúc dồn dập như hối thúc, đuổi bắt nhau... Sáo vỗ đôi có tên gọi theo tiếng Raglai là Taliaq kuluma, nghĩa là 2 vợ chồng. Chính vì thế, sáo vỗ đôi tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, cho vợ chồng gắn bó, yêu thương.

 


Điều đặc biệt là cây sáo có thể được phát triển thêm âm vực tựa như đời sống tự nhiên, sinh sôi, nảy nở của đất trời, như trai, gái lớn lên, lập gia đình, rồi sinh con, đẻ cái… Từ 2 ống thổi vỗ đôi, anh Cao Dy có thể nối thêm ống thứ 3, ngắn nhất, tượng trưng cho sự ra đời của đứa bé con, tạo nên cây sáo vỗ ba (gia đình 3 người). Sáo vỗ ba cộng hưởng, phát triển thêm âm hưởng, mô phỏng đầy đủ âm vang núi rừng, tiếng gió vi vu, lá rừng rì rào, chim muông líu lo, vượn hú, thú rừng hoang dã, cuộc sống thiên nhiên nơi đại ngàn. Tất cả tạo nên giai điệu đặc trưng, ấm áp, thiết tha, tắm mát tâm hồn, nhen nhóm, sưởi ấm tình yêu nơi miền sơn cước…


Thay lời tâm tình gửi trao


“Thung lũng xanh, đồi núi xanh trập trùng mù sương


Gập ghềnh đá dựng ngược đường


Để anh đi tìm em giữa mênh mông đại ngàn tiếp nối…


(Tình ca Yang Bay)


Người Raglai lấy âm nhạc làm bầu bạn, mượn nhạc cụ dân tộc để bày tỏ nỗi lòng, gửi trao tâm tư, khát vọng, niềm tin yêu cuộc sống. Tiếng sáo ấy biết nói, biết kể chuyện, biết đùa vui, lảnh lót vang vọng cao vút lên ngọn cây, đỉnh núi. Đặc biệt, giữa không gian tĩnh mịch của núi rừng, tiếng sáo còn là lời trò chuyện, tâm tình lứa đôi. “Khi đối diện nhau, người ta ngại, không thể thổ lộ tình cảm của mình thì tiếng sáo sẽ thay lời bày tỏ”, anh Dy tiết lộ. Giai điệu ngọt ngào, nhẹ nhàng như lời thủ thỉ, tình tự đầy mê hoặc nhưng có khi lại như lời than trách, dỗi hờn… Theo âm điệu, tiết tấu, người nghe có thể cảm nhận được tâm trạng, tình cảm của người thổi để rồi thấu hiểu và yêu thương nhau hơn. Giữa những làng bản cách nhau từ quả đồi này sang quả đồi kia, tiếng sáo trở thành sợi dây gắn kết, cầu nối tâm tư, kéo con người sát lại gần nhau hơn.


“Học thổi sáo khó không, phải mất bao lâu thì mới có thể thổi được?”, tôi thắc mắc. Anh Dy cười: “Tùy vào người thổi. Tôi dạy theo kinh nghiệm, không hề có sách vở, chỉ dựa vào cảm nhận, quan sát rồi tập theo. Vì thế, để có thể là người thổi sáo hay thì phải thật sự đam mê và phiêu cùng tiếng sáo…”.


Trước khi tạm biệt, anh Dy tặng tôi cây sáo mà anh vừa thổi và khẳng định chắc nịch rằng nếu có sẵn vật liệu, anh chỉ cần khoảng 15 - 20 phút là có thể tạo nên cây sáo như ý. Anh lý giải sáo vỗ đôi được làm từ các loại tre, trúc quen thuộc, dễ dàng tìm thấy quanh làng bản... Tuy nhiên, để có được cây sáo ưng ý, phải khéo chọn loại có độ mỏng vừa, thẳng đẹp để có thể dễ khoét lỗ sáo chính xác tạo âm thanh tròn trịa, sắc sảo.


Khi bóng chiều dần buông, giữa mênh mông xanh ngắt của mây trời, gió núi, âm thanh trong trẻo tiếng sáo khiến lòng người như nhẹ nhàng, bay bổng, những bản làng xa vắng bỗng như gần nhau hơn trong ước vọng mùa xuân rộn rã, tươi vui. Khúc nhạc rừng luôn đắm say, bất tận cho những cánh chim xa mải miết tìm về…


Như Thảo