Ở các gia đình chiến sĩ Trường Sa, ngày Tết có thể không đông đủ nhưng vẫn ấm áp bởi những người vợ, người con nơi hậu phương luôn biết "giữ lửa" để các anh yên tâm canh giữ mùa xuân đất nước.
Ở các gia đình chiến sĩ Trường Sa, ngày Tết có thể không đông đủ nhưng vẫn ấm áp bởi những người vợ, người con nơi hậu phương luôn biết “giữ lửa” để các anh yên tâm canh giữ mùa xuân đất nước.
Lặng thầm nỗi nhớ
Nha Trang một ngày cuối năm. Tôi đến nhà chị Trịnh Thị Ngọc (sinh năm 1982, quê Nghệ An) khi chị vừa tan ca ở Nhà máy sợi 2 (Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang). Tết năm nay, chồng chị, Trung úy Nguyễn Văn Tĩnh (sinh năm 1976, cùng quê) không về. Vậy là phút giao thừa, cả nhà chị sẽ lại “sum họp” qua điện thoại. Sáng mùng 1, hai mẹ con sẽ sang nhà cậu chúc Tết, lòng vòng ngắm phố phường. Nhưng dù đi đâu, cuối cùng chị cũng chở con ra biển chơi để có cảm giác gần anh hơn.
Gia đình chị Hà thường “sum họp” qua điện thoại |
Chị Ngọc - anh Tĩnh cưới nhau được hơn 1 năm thì cuối năm 2011, anh đi công tác ở đảo Sinh Tồn Đông. Lúc đó, chị mang thai bé Bống 4 tháng. Cuối năm 2013, anh về phép, bé Bống đã biết gọi cha. Căn nhà cấp 4 thuê ở đường Nguyễn Khắc Viện (phường Vĩnh Hòa) chủ yếu cho hai mẹ con ở bởi cuối năm 2014, anh Tĩnh lại đi đảo Nam Yết. “Tôi đã xác định phải mạnh mẽ để chồng yên tâm công tác, nhưng nhiều lúc vẫn thấy lẻ loi. Đi làm về, vội vàng nấu cơm rồi để con tự xúc ăn, còn mẹ tranh thủ giặt quần áo, dọn nhà cửa, xong xuôi có khi đã hơn 21 giờ. Nhìn con ngủ vùi bên đống đồ chơi mà thương...”, chị Ngọc trải lòng.
Mẹ con chị Ngọc |
Một ngày của chị Ngọc bắt đầu từ 5 giờ sáng. Cho con ăn, đưa con đến trường xong, chị lên xe của công ty đi làm. Những hôm nhà máy tăng ca làm đêm, chị lại lo nhờ người quen trông Bống qua đêm. Nhiều hôm, khi chị đến nhóm trẻ, chỉ còn Bống tha thẩn chờ mẹ. “Đôi lúc thèm cảm giác cả nhà đầm ấm bên mâm cơm, nhưng rồi lại tự động viên: anh ấy đang làm nhiệm vụ, mình phải cố lên”, chị Ngọc chia sẻ.
Đếm ngược chờ cha về
Đến “làng Trường Sa” (thôn Lam Sơn, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) một ngày cuối năm, không khí chuẩn bị Tết ở đây đã khá rộn ràng. Nhà nhà quét dọn, sơn lại tường rào. Vài chị chở gạo nếp, đậu xanh về cho biết, Tết ở đây có “phong tục” riêng. Giáp Tết, các mẹ chung nhau gạo, thịt, đậu... rồi phân công người rửa lá, đãi đậu, gói bánh, canh lửa, tiếp nước. Cả xóm quây quần luộc chung nồi bánh chưng sẽ thấy ấm áp hơn, bớt cảm giác thiếu vắng người đàn ông. Phút giao thừa lại không thể thiếu “tiết mục” gọi điện thoại chúc Tết chồng và đơn vị. Sáng mùng 1, mẹ con các nhà sẽ chúc Tết lẫn nhau, động viên nhau vững lòng để chồng yên tâm công tác.
Chị Hợi bên bức ảnh hiếm hoi có đủ các thành viên trong gia đình |
Ra đón tôi với một chân đau do vừa bị tai nạn giao thông, chị Nguyễn Thị Hợi (sinh năm 1971, quê Hà Tĩnh), vợ Đại úy Nguyễn Xuân Vinh (sinh năm 1970, cùng quê) hồ hởi báo tin: “Tết này anh ấy về phép! Mừng quá, chân đỡ đau hẳn!”. Anh chị kết hôn năm 1997 rồi lần lượt có 2 con gái. Năm 2007, anh đi đảo Trường Sa Đông, rồi Sơn Ca. Đầu năm 2015, anh tiếp tục đi đảo Nam Yết. Chị không quên hồi mới có sóng điện thoại, lần đầu tiên nói chuyện với chồng. Thấy hàng xóm gọi sang nghe điện thoại, chị cứ nghĩ mọi người trêu mình, nhưng vẫn đi, lòng hồi hộp. Ngồi chờ 30 phút, cuối cùng chuông điện thoại đổ, chị nhận ra ngay giọng anh. Tiếng anh lúc được lúc mất, nói chuyện 10 phút chẳng nghe được mấy câu, chị khóc...
Tính ra, anh Vinh đã ở đảo 8 năm. Cả ngày chị Hợi lo việc nhà và chăm 2 con. Có lần, con gái nhỏ Hà Châu phải nằm viện 25 ngày, nhưng đến khi con khỏi bệnh, anh Vinh mới biết chuyện. “Tôi thường dặn anh cứ yên tâm công tác, ở nhà các con đều khỏe mạnh, học giỏi. Lấy chồng là bộ đội hải quân thường xuyên vắng nhà, mình phải cố gắng”, chị Hợi nói. Khánh Chi (sinh năm 1998), con gái đầu của anh chị chia sẻ: “Cháu có thể nhắn tin, gọi điện thoại cho bố hàng ngày, vậy mà nỗi nhớ bố vẫn không vơi. Nhưng năm nay cháu được đếm ngày chờ bố về Tết rồi”.
Chộn rộn riêng - chung
Xuân năm nay, chị Hồ Thị Hà (sinh năm 1976, quê Nghệ An) lại không được đón chồng - Thượng úy Trần Xuân Vương (sinh năm 1971, cùng quê) về ăn Tết. Từ năm 2006 đến nay, anh Vương đã công tác ở 5 đảo: Len Đao, Phan Vinh, Trường Sa Lớn, Đá Đông rồi Sơn Ca. Lần đầu anh đi, con gái lớn mới 1 tuổi rưỡi. Khi chị sinh con gái thứ hai, anh không về được. Bây giờ Thu Nguyệt đã 15 tuổi, Minh Châu 7 tuổi. “Từ khi có con, mới duy nhất một lần anh ăn Tết cùng cả nhà. Tết đó, hai đứa trẻ vui lắm, được bố chở đi chơi khắp nơi. Tết năm nay, chắc xóm mình vui lắm vì các anh đều về thay quân, còn mỗi anh Vương ở lại...”, giọng chị Hà rưng rưng. Bỗng điện thoại reo, hai con chị bật “a” sung sướng: bố Vương gọi! Bé Minh Châu nhanh nhảu khoe thành tích học tập rồi thêm: “Bố ơi, năm nay bố không về, mẹ con buồn lắm!”. Nghe bố Vương động viên ba mẹ con, mắt chị Hà ngân ngấn nước, nhưng giọng nói thì bình tĩnh lạ: “Đừng lo gì anh nhé, ngày Tết đã có cả xóm lo cho ba mẹ con rồi”!
Mẹ con chị Hà chăm sóc mai để có hoa ngày Tết chụp hình gửi bố. |
Tôi tạm biệt chị Hà khi những hạt mưa nhẹ rơi báo hiệu xuân đang về. Trong khi nhiều người đang hối hả về nhà sum họp, ở đâu đó, vẫn có những người vợ chấp nhận xa chồng, những đứa trẻ nuôi ước mong được cha chở đi chơi Tết, nhưng họ vẫn vui vẻ động viên chồng, cha hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không chỉ là tình cảm gia đình, chính tình yêu đất nước đã giúp họ kiên cường làm hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ. Tôi chợt nhớ lại vẻ lí lắc của bé Minh Châu khi biết bố Vương không về Tết: “Con muốn được bố lì xì viên đá tròn có lỗ, màu đỏ đậm để xỏ dây đeo khoe bạn, chắc chắn chẳng bạn nào có đâu!”. Mong ước đó nhỏ bé mà chứa đựng biết bao tự hào về người cha chiến sĩ!
T.M