Tôi tình cờ gặp Lê Hải Bình trong buổi họp mặt 20 năm cựu học sinh Trường Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang niên khóa 1992 - 1995. Hình ảnh Lê Hải Bình giản dị, hòa chung niềm vui cùng thầy cô, bạn bè ôn lại những kỷ niệm của tuổi học trò cách đây 20 năm khác hẳn với một Lê Hải Bình nghiêm nghị, đầy bản lĩnh chính trị khi đứng trên bục phát biểu với tư cách là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. ....
Tôi tình cờ gặp Lê Hải Bình trong buổi họp mặt 20 năm cựu học sinh Trường Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang niên khóa 1992 - 1995. Hình ảnh Lê Hải Bình giản dị, hòa chung niềm vui cùng thầy cô, bạn bè ôn lại những kỷ niệm của tuổi học trò cách đây 20 năm khác hẳn với một Lê Hải Bình nghiêm nghị, đầy bản lĩnh chính trị khi đứng trên bục phát biểu với tư cách là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Anh đã dành cho phóng viên Báo Khánh Hòa một cuộc trò chuyện…
- Là người phát ngôn trẻ nhất lịch sử Bộ Ngoại giao Việt Nam, anh có cảm thấy áp lực trong công việc?
- Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, khó lường, ngành Ngoại giao phải xử lý rất nhiều thách thức liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời duy trì và tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước, các tổ chức trong khu vực và thế giới. Được giao nhiệm vụ người phát ngôn khi tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ so với các vị tiền nhiệm, tôi ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình, đồng thời cũng cảm nhận áp lực nặng nề. Tuy nhiên, điều khiến công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn là do vị thế, uy tín của đất nước chúng ta đang ngày càng được nâng cao. Bản thân tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của những người đi trước.
- Với giới truyền thông Việt Nam, cái tên Lê Hải Bình đã quá quen thuộc. Nhưng, báo chí thế giới đánh giá thế nào về anh?
- Đầu năm 2014, tôi được bổ nhiệm làm người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Khi ấy tôi mới 37 tuổi. Thời điểm đó đã có báo giật tít: “Thế giới tò mò về người phát ngôn mới của Bộ Ngoai giao Việt Nam” (cười). Một số báo nước ngoài thậm thí còn trích dẫn lại nguồn tin từ báo chí Việt Nam, nhấn mạnh đến việc tôi là người phát ngôn trẻ tuổi nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Riêng hãng tin BBC của Anh đã trích dẫn đầy đủ tiểu sử các vị trí công tác của tôi trong những năm qua. Có thể nói, “tò mò” là hai từ diễn tả thái độ của truyền thông quốc tế dành cho tôi lúc bấy giờ. Điều này cũng dễ hiểu. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, cùng với vị thế ngày càng lên cao của đất nước và những thành công trong công tác đối ngoại, bất kỳ vị trí nào của ngành Ngoại giao cũng có thách thức, trong đó có vị trí người phát ngôn. Mặt khác, tuổi đời và tuổi nghề của tôi lại khá trẻ so với các vị tiền nhiệm.
- Được biết, anh còn là một võ sư và là Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam. Cơ duyên nào khiến một nhà ngoại giao như anh vẫn dành thời gian phát triển võ thuật Việt Nam?
- Tôi mê võ thuật và bắt đầu tập luyện từ năm 12 tuổi ở miền đất Nha Trang. Tôi gắn bó với Vovinam vì đây là môn võ chú trọng dạy võ đi liền với dạy đạo, có giá trị giáo dục thanh niên không chỉ về đạo lý làm người mà còn về tinh thần dân tộc, yêu quê hương, đất nước. Vovinam cũng là một trong những môn võ của dân tộc ta được quảng bá rộng rãi ở nước ngoài, rất phù hợp với nghề ngoại giao của chúng tôi. Đến nay, chúng ta đã thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới năm 2008 và có cơ sở, liên đoàn ở khắp các châu lục. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều nỗ lực hỗ trợ phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và môn võ Vovinam nói riêng. Ở một số nước, sự phát triển của Vovinam lớn đến mức có thể hỗ trợ ngược trở lại đối với công tác cộng đồng của các nhà ngoại giao.
- Anh lớn lên và học tập tại TP. Nha Trang. Vậy, vùng đất này có ảnh hưởng như thế nào đến con đường mà anh lựa chọn?
- Quê nội tôi ở Hải Phòng, quê ngoại ở Huế, tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở Nha Trang. Có lẽ cái nắng, cái gió ở xứ sở biển xanh, cát trắng đã tôi luyện cho người dân Nha Trang bản tính hiền hòa, mến khách nhưng cũng rất kiên trì, không bao giờ khuất phục trước khó khăn. Ông ngoại của tôi là ông Nguyễn Minh Vỹ - một trong những người lãnh đạo người dân Nha Trang - Khánh Hòa nổi dậy giành chính quyền đúng vào ngày 19-8-1945. Những câu chuyện của ông về những ngày kháng chiến sục sôi, 101 ngày đêm chiến đấu hào hùng của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, về những ngày gian khổ ở chiến khu Hòn Hèo - Hòn Dữ và cả những năm tháng gian khổ nhưng đầy vinh quang của nền ngoại giao nước nhà trong đàm phán Paris 1968 - 1973 đã khiến tôi thích ngoại giao và chính trị.
- Phải chăng, truyền thống gia đình có ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình anh chọn lựa ngành Ngoại giao để làm tiền đề phát triển sự nghiệp?
- Ba mẹ tôi đều từng là bộ đội. Tuổi thơ của tôi lại gắn liền với những câu chuyện của ông ngoại về cuộc đời làm cách mạng và về giai đoạn ông làm Phó Trưởng đoàn đàm phán Paris về Việt Nam từ năm 1968 - 1973. Chính những câu chuyện đó đã hình thành cho tôi một lý tưởng, ước mơ và một con đường đi.
Tôi nghĩ nền tảng quan trọng nhất mà gia đình mang lại cho tôi là ý thức rõ rệt về lòng yêu nước, về tinh thần quật cường của dân tộc, về khát khao vươn lên của đất nước trong thời kỳ mới.
- Được biết, anh đã từng đến Trường Sa, vậy anh có cảm nghĩ gì khi đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc?
- Tôi thường tìm kiếm cho mình những trải nghiệm, những chuyến đi đến mọi miền của Tổ quốc. Từ bé, nhìn những hòn đảo ngoài xa, nhìn những ngư dân ra khơi vào lộng, tôi luôn mong muốn một ngày nào đó được đặt chân lên Trường Sa. Lần đầu vào năm 2004, khi mới 27 tuổi, tôi đã thực hiện được ước mơ đó. Rời Trường Sa khi ấy, tôi hẹn lòng phải quay lại và đến năm 2012, tôi thực hiện được lời hẹn ấy.
Cảm xúc trước mỗi chuyến đi không bao giờ là cũ. Khi tàu rời Cảng Cam Ranh, trong tôi dậy lên cảm giác bồi hồi, rạo rực như những người con đang trở về với đất mẹ. Bất cứ ai khi đặt chân đến Trường Sa cũng không khỏi nghẹn ngào, xúc động, bởi trước đó chỉ được nghe, đọc qua báo đài… thì nay được chạm vào nước biển mặn mòi của Trường Sa, được tắm mình trong nắng gió của Trường Sa, nơi trước đó mọi tình cảm chỉ biết gói ghém trong tim thì nay cảm xúc như được vỡ òa.
Đến Trường Sa, điều làm cho khoảng trời xa xôi này luôn gần kề, ấm áp, ấy là cái tình - tình người với người, tình người với đảo. Lính đảo nhiệt tình và hiếu khách lắm, lúc nào cũng niềm nở. Tôi đã đứng trước mộ những người lính mười tám đôi mươi, thả bè hoa cho các chiến sĩ còn ngủ quên cùng con sóng. Các anh còn trẻ quá, tuổi thì nhỏ nhưng con tim thì lớn lắm…
Anh kể em nghe chuyện lửa trái tim
Những ngày biển chẳng yên vì kẻ thù xâm lược
Máu đỏ loang mặt biển - mặn từng giọt nước
Khoác cờ Tổ quốc, anh quyết giữ đất mình…
Tôi đã được đi nhiều nơi nhưng đến Trường Sa là trải nghiệm quý giá, nhất là đối với một người làm công tác ngoại giao, trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là động lực giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn và hoàn thành tốt công việc.
- Xin cảm ơn anh!
THÙY DƯƠNG (Thực hiện)