05:02, 09/02/2016

Nét xưa còn đó, màu xuân qua

Với Nha Trang, ai cũng nghĩ đến biển. Màu xanh của biển làm rực rỡ, lộng lẫy những tòa dinh thự sang trọng, khách sạn cao vút cùng vô số công trình tân kỳ của thời mở cửa...

Với Nha Trang, ai cũng nghĩ đến biển. Màu xanh của biển làm rực rỡ, lộng lẫy những tòa dinh thự sang trọng, khách sạn cao vút cùng vô số công trình tân kỳ của thời mở cửa. Nhưng rồi, trong khoảnh khắc của cái nắng hanh hao của mùa xuân, ta sẽ chợt thấy những chiếc lá bàng đỏ rơi, lăn giòn giã trên mái ngói âm dương rêu phong bên đường, làm bừng tỉnh rằng, Nha Trang cũng có một thời xuân thì cổ kính chưa xa.

 

Đình làng Xương Huân gần 200 tuổi, một trong những đình làng cổ nhất ở Nha Trang còn lưu giữ
Đình làng Xương Huân gần 200 tuổi, một trong những đình làng cổ nhất ở Nha Trang còn lưu giữ


Tâm hồn, hơi thở của miền đất bao giờ cũng là chợ. Nha Trang cũng thế, Chợ Đầm còn hơn thế nữa khi trở thành trái tim yêu dấu của người bản địa ngay từ thuở lập làng biển cho tới tận hôm nay. Trước khi có bông hoa sen - Chợ Tròn thì nơi đây là đầm Cù bát ngát, mùa xuân dào dạt én chao bay. Xương Huân - làng biển đầu tiên hội tụ đủ yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa để cư dân lập nghiệp đánh bắt, giao thương, buôn bán. Từ đây ngược theo sông Cái lên Thành Diên Khánh, ra biển đánh bắt rồi vào lại đầm nước để lập bến, làm chợ buôn bán. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên A. Yersin đã đến đây làm nhà, lập viện để gắn bó với mảnh đất này. Lầu Ông Tư trấn giữa đầu Xóm Cồn. Xương Huân - tên đất cũng là tên sông Cái - Cù Huân có đủ những gì của một đô thị cổ: Chùa Kỳ Duyên trên núi Sinh Trung soi bóng đầm Cù. 12 bến nước ven bờ giao thương rồi thành chợ. Đình làng biển Xương Huân ở đường Bến Chợ. Lăng miếu thờ Nam Hải ở đường Lê Lợi và Lãn Ông (xưa là đường Lăng Ông). Các dãy phố với kiến trúc cổ làng Việt trên đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Xương Huân. Độc đáo hơn nữa là những tòa nhà buôn mang đậm nét của kiến trúc Pháp - Hoa được cư dân người Hoa vùng Hải Nam di cư sang từ đầu thế kỷ XX lập nghiệp buôn bán quanh Chợ Đầm. Đó là biểu hiện sự sầm uất của một miền đất mới. Tất nhiên, kiến trúc Pháp vẫn nổi trội trên đường Lê Lợi, Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, hiện hữu nhất là tòa nhà Bưu Điện (xưa gọi là nhà Dây Thép). Nổi tiếng nhất là tòa nhà trắng có mái vòm đặt kính tiềm vọng của nhà bác học A.Yersin mà người dân Nha Trang gọi là Lầu Ông Tư. Tiếc thay nay không còn nhưng qua ảnh xưa, ai cũng vẫn nghĩ tòa nhà đó chưa mất. Ngay cả những con đường  nơi đây cũng thực sự cổ như: đường Xương Huân, Bến Chợ, Hàng Cá, Sinh Trung... Thỉnh thoảng, nhiều người nhớ về miền xưa tới đây vẫn thấy thấp thoáng những công trình kiến trúc đầy rêu phong, vì Xương Huân là Nha Trang xưa thu nhỏ còn lưu lại.

 

Nơi bày bán đồ gốm của người Chăm tại một khu chợ ở Nha Trang ngày xưa (ảnh trên Internet)
Nơi bày bán đồ gốm của người Chăm tại một khu chợ ở Nha Trang ngày xưa (ảnh trên Internet)


Có một loại cây xưa còn sót lại trên đường phố Nha Trang là xà cừ và bàng. Không trở thành biểu tượng như dừa hay phi lao nhưng tán bàng lại gây cảm xúc cho tâm hồn những người yêu thành phố này mỗi dịp xuân sang. Đó là cả vòm lá đang vàng chợt bùng cháy đỏ rực giữa trời xuân rồi ào ào đổ rộm đất lao xao. Ít ngày sau, trên cành mọc búp non xanh biếc. Xưa trong những tòa dinh thự mang phong cách Pháp đều có những cây bàng, nay nhiều cây đã bị thời gian và con người cuốn đi, tuy nhiên trên bờ biển vẫn còn sót lại những cây bàng cổ thụ gốc xù xì tỏa tán che mát, mỗi dịp xuân về lại cháy đỏ rồi đơm lộc rất đẹp. Có lẽ cây bàng thực sự làm nên màu sắc của thời gian xưa. Tiếc rằng màu lửa đó đang tắt dần.

 

Cây bàng cổ thụ trên đường Trần Phú thời điểm 1990
Cây bàng cổ thụ trên đường Trần Phú thời điểm 1990


Đầu những năm 1990, cứ dịp tháng Chạp, người yêu hoa lại đến đường Đồng Nai, xóm Hương Điền để ngắm hoa sớm do những người dân nơi đây trồng. Từ trong sân nhỏ tới vườn rộng hay cánh đồng Phước Hải bao la đều rực rỡ hoa cúc, thược dược, mãn đình hồng... Đó là những chậu hoa cuối cùng của làng hoa Đồng Nai, Phước Hải trước khi nhường cho nơi khác. Trở lại thời gian trước đó lâu hơn, cánh đồng Phước Hải là cánh rừng mai chạy tới tận núi Đồng Bò. Người Nha Trang xưa chỉ cần bước xuống đây để chọn cành mai rừng đẹp nhất về cắm độc bình. Tiếc thay, rừng mai xưa đã khép, vườn hoa Tết Đồng Nai cũng không còn. Thỉnh thoảng ngày xuân đi tới đây ta vẫn gặp có những cây mai rừng xưa còn lại trước sân nhà khoe sắc vàng thật lộng lẫy.


Có thể tất cả đang phai nhạt như cánh hoa, nhưng những gì trong ký ức đang hiện hữu mong manh cũng thật quý giá, vì đó là màu thời gian: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (thơ Bà Huyện Thanh Quan).


Dương Trang Hương