Dưa kiệu là một món ăn dân dã với một hương vị riêng, luôn hiện diện trong mâm cơm của các gia đình ở miền Trung, miền Nam mỗi độ Tết đến, xuân về.
Dưa kiệu là một món ăn dân dã với một hương vị riêng, luôn hiện diện trong mâm cơm của các gia đình ở miền Trung, miền Nam mỗi độ Tết đến, xuân về.
Một lần ra phố, thoáng thấy một người bán bánh chưng, bánh tét trên đường, người bạn đi cùng tôi cười bảo: “Giá như có đĩa dưa kiệu thì mình đã tậu vài chiếc bánh chưng mang về”. Câu nói dường như bất chợt, nhưng lòng tôi lại thấy bồi hồi khôn tả, bao kỷ niệm ngày Tết chợt ùa về.
Cuộc sống bây giờ khá giả hơn, ra chợ, vào siêu thị... cái gì cũng có, nhưng mẹ tôi vẫn thích tự tay làm dưa kiệu vì vừa hợp khẩu vị, lại để được lâu không bị hỏng. Bao nhiêu cái Tết tuổi thơ đã qua, nhưng anh em tôi vẫn không quên hương vị đậm đà món dưa kiệu mẹ làm. Năm nào cũng vậy, 23 tháng Chạp, tiễn ông Táo về trời là lúc mẹ tôi tỉ mỉ làm món này. Mẹ bảo, ngày Tết ăn miếng bánh chưng, bánh tét mà thiếu vị mằn mặn, ngòn ngọt của dưa kiệu sẽ rất nhạt nhẽo. Còn nhớ Tết năm ngoái, một người bạn ở TP. Hồ Chí Minh ghé chơi, sau khi được nhà tôi đãi các món đặc sản, khi đi, bạn không nhận quà gì mà chỉ xin ít dưa kiệu. Vậy mới biết, món ăn này cũng có sức mê hoặc đến lạ.
Nhớ ngày còn bé, tôi thích được xem mẹ làm dưa kiệu. Để làm được hũ dưa kiệu ngon không khó nhưng tốn công một chút. Sau khi cắt bỏ lá và rễ, mẹ ngâm củ kiệu với nước muối hòa tan để dăm ba ngày cho bớt hăng, rồi xả sạch và phơi. Đu đủ, cà rốt, su hào... gọt vỏ, xắt kiểu, ngâm nước muối, xả sạch, rồi ép cho ráo hoặc phơi héo đúng độ. Khi các nguyên liệu trên đã chuẩn bị đâu vào đó, mẹ tôi xếp vào hũ và nấu nước đường theo tỷ lệ nhất định để keo keo, nguội rồi đổ vào. Nếu muốn dưa kiệu vừa có vị cay và bắt mắt, có thể cho thêm ớt đỏ được thái lát dày; khoảng một tuần sau có thể dùng được. Còn gì thú vị bằng khi lát bánh chưng, bánh tét dẻo mềm hòa quyện với những miếng dưa kiệu giòn giòn, ngòn ngọt..., hay cuốn với bánh tráng, rau sống, măng kho thịt, chấm thêm chút mắm đường ớt tỏi keo keo, cắn nghe dai dai, sần sật khiến ai cũng phải nhớ mãi. Bữa cơm Tết chỉ vậy thôi đã thấy thật ấm cúng!
Dịp Tết, nếu miền Bắc ưa món dưa hành thì miền Trung và miền Nam lại chuộng dưa kiệu. Tuy mỗi vùng miền có gia cố thêm nguyên liệu khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn giữ vị ngọt ngọt, mằn mặn...
Thật vui là ngày nay, trong cuộc sống bộn bề và đủ đầy những dịch vụ làm sẵn, vẫn có nhiều người chọn mua nguyên liệu đã sấy khô, bỏ công làm dưa kiệu với mong muốn cảm nhận trọn vẹn về một nét văn hóa ẩm thực cổ truyền ngày Tết. Bà Trần Thị Tuyết Vân (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Người Việt luôn coi trọng sự hài hòa, cân bằng trong hương vị; đi kèm với sự ngậy béo của bánh chưng, thịt mỡ... không thể thiếu món dưa kiệu hay dưa hành thanh thanh. Có lẽ vì thế mà trên mâm cỗ ngày Tết, thiếu đĩa kiệu thì chưa đặc tả được cái dư vị Tết. Tết năm nào tôi cũng làm dưa kiệu, tốn công một chút nhưng cảm thấy rất vui...”.
Những ngày áp Tết, tại các chợ, siêu thị và trên nhiều tuyến phố ở TP. Nha Trang cũng có nhiều điểm bán dưa kiệu với giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng mỗi dịp Tết đến, gia đình bà Nguyễn Thị Sáu (phường Tân Lập, TP. Nha Trang) cũng dồn công lao động cho nghề này. Hơn 10 năm bán dưa kiệu, bà Sáu đúc kết được kinh nghiệm: “Để dưa kiệu ngon nên làm trước Tết khoảng 10 ngày, làm sớm quá mắm kiệu sẽ mất ngon, trễ quá thì kiệu chưa đủ thấm gia vị...”.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu tháng Chạp, nhìn bà con nông dân rộn ràng bước vào mùa thu hoạch kiệu để kịp cung ứng ra thị trường, tôi cảm thấy hương vị Tết đang đến thật gần.
NGUYỄN KIM