Nhằm đổi mới toàn diện công tác quản lý, điều hành, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nhằm đổi mới toàn diện công tác quản lý, điều hành, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Quan tâm đầu tư cho chuyển đổi số
Ngày 16-10-2021, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 16 về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định, đến năm 2025, Khánh Hòa nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số; đến năm 2030 vào nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số.
Thực hiện Nghị quyết số 16, riêng năm 2022, UBND tỉnh ban hành 17 quyết định, 13 kế hoạch tổ chức triển khai hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh nâng cấp hạ tầng Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh, Trung tâm Dữ liệu tỉnh và phòng máy chủ phục vụ vận hành các hệ thống thông tin dùng chung; tích hợp bộ công cụ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Tỉnh cũng xây dựng kho quản lý dữ liệu và các chức năng số hóa, lưu trữ kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) bản điện tử trên Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa và 25 dịch vụ công thiết yếu; cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu một số ngành…
Mặt khác, hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh chính thức được vận hành từ ngày 5-10-2022. Đến nay, hệ thống đã tiếp nhận 210 phản ánh, kiến nghị. Hệ thống họp trực tuyến được nâng cấp, đưa vào sử dụng tại UBND tỉnh, UBND cấp huyện và mở rộng tới các sở, ban, ngành, UBND cấp xã. Tỉnh cũng thí điểm hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đối với 6 bệnh viện và hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh; hoàn thiện tổ chức vận hành hệ thống thông tin địa lý tỉnh; triển khai hệ thống thông tin báo cáo tỉnh…
Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, từ năm 2022, các xã, thị trấn của huyện đã niêm yết mã QR cung cấp thông tin toàn bộ TTHC ở cấp xã phục vụ người dân tra cứu. Năm 2023, các xã, thị trấn rà soát việc niêm yết mã QR, tập trung thông tin về các lĩnh vực TTHC mà người dân thường xuyên tra cứu, như: Hộ tịch, bảo trợ xã hội, đăng ký đất đai lần đầu… Ông Mấu Xuân Vội (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp) cho biết, nhờ xã niêm yết mã QR nên khi đến xin cấp bản sao trích lục khai sinh, ông chỉ cần quét mã QR là nắm được đầy đủ thủ tục.
Thêm nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh cũng còn khó khăn. Cụ thể như: Các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, nhất là hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Nhân lực tại cơ quan chuyên trách chuyển đổi số và các đơn vị còn thiếu về số lượng, hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ mới phục vụ công tác tham mưu và tổ chức triển khai. Mức độ sẵn sàng, khả năng tiếp cận công nghệ trong người dân, doanh nghiệp chưa cao. Hạ tầng Trung tâm Dữ liệu tỉnh phục vụ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần được bổ sung giải pháp, trang thiết bị nhưng giá trị đầu tư cao và cũng cần thời gian triển khai theo quy định...
Theo ông Bùi Vũ Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, các nền tảng số đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác chuyển đổi số. Tỉnh sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông, phủ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tập trung xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ chính quyền điện tử; thực hiện quy chế chia sẻ thông tin qua hệ thống mạng giữa các cơ quan; xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh, kho dữ liệu dùng chung, nền tảng số hóa tỉnh và hệ thống dữ liệu lớn đủ đáp ứng nhu cầu đồng bộ số hóa dữ liệu trong cơ quan Đảng, Nhà nước; xây dựng, vận hành hiệu quả trung tâm điều hành an ninh mạng; ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành công việc, cung cấp dịch vụ; hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến; phát triển doanh nghiệp số. Đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ năng phục vụ vận hành chuyển đổi số cho cán bộ, công chức; phổ cập kỹ năng số cho người dân…
Năm 2022, toàn tỉnh cấp phát, duy trì 4.952 chứng thư số; tích hợp 843 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và đồng bộ tình hình, kết quả xử lý hồ sơ TTHC trên Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, tích hợp trung tâm này với 7 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành. Toàn tỉnh tiếp nhận gần 594.000 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến đạt 52%; hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 8,59% với tổng số tiền hơn 4,66 tỷ đồng. Hơn 28.400 kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống một cửa điện tử được lưu vào kho quản lý dữ liệu trên Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh. Có 99,45% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 10,25% người dân có danh tính số, tài khoản định danh điện tử; 69% có tài khoản thanh toán điện tử…
|
NGUYỄN VŨ