21:40, 26/04/2023

Chuyển đổi số hệ thống truyền thanh cơ sở

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai chuyển đổi hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2025, có 100% đài truyền thanh không dây chuyển đổi sang đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT, kết nối với hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh. Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết:

Ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Thực hiện kế hoạch triển khai chuyển đổi hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT nhằm phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở để đổi mới phương thức cung cấp, nâng cao chất lượng nội dung thông tin. Tỉnh sẽ đầu tư chuyển đổi, thiết lập mới, mở rộng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT thay thế toàn bộ hệ thống đài truyền thanh không dây, đảm bảo việc vận hành, quản lý hiệu quả, tập trung.

- Ông có thể cho biết thực trạng hệ thống đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh?

- Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới có 12 xã đã và đang thực hiện đầu tư đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT, gồm: Cầu Bà (huyện Khánh Vĩnh); Ninh Trung, Ninh Quang, Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa); Phước Đồng, Vĩnh Lương, Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang); Cam Hiệp Bắc, Cam Hòa (huyện Cam Lâm); Cam Thịnh Đông, Cam Lập (TP. Cam Ranh). Toàn tỉnh còn 83 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh không dây cần thực hiện chuyển đổi sang đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT; 40 xã, phường, thị trấn cần khẩn trương thực hiện ngay việc chuyển đổi. Việc chuyển đổi này để tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Theo số liệu tổng hợp, toàn tỉnh có 136 đài truyền thanh cơ sở ở các xã, phường. Căn cứ vào nội dung chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, dựa trên tình hình thực tiễn của địa phương, việc chuyển đổi đài truyền thanh không dây sang đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT cần được thực hiện ngay trong thời gian từ nay đến năm 2025. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi trước đối với 23 xã, phường, thị trấn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tiếp đến là 71 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT theo đúng tiến độ, lộ trình, nguồn lực để thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Việc chuyển đổi hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT sẽ được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện. Theo dự toán, tổng kinh phí thực hiện việc chuyển đổi hơn 105,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh ưu tiên bố trí chuyển đổi đài truyền thanh các xã, thị trấn thuộc 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; các xã đảo hoặc xã, phường, thị trấn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các đài truyền thanh không dây có giấy phép sử dụng tần số thiết bị vô tuyến điện hết thời hạn sử dụng. TP. Nha Trang chủ động cân đối kinh phí thực hiện chuyển đổi 100% đài truyền thanh không dây trên địa bàn thành phố; các địa phương còn lại cân đối bố trí kinh phí thực hiện chuyển đổi các đài truyền thanh không dây chưa được cấp tỉnh bố trí kinh phí. Trong trường hợp các đài truyền thanh không dây hư hỏng trước thời gian đề xuất chuyển đổi theo lộ trình trong kế hoạch của UBND tỉnh thì địa phương cân đối, bố trí vốn để thực hiện đầu tư sớm hơn thời gian, lộ trình đề ra nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch; phối hợp tham gia ý kiến, thẩm định đối với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch do các địa phương chủ trì thực hiện, bảo đảm việc triển khai thống nhất, toàn diện; giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.

- Xin cảm ơn ông!

Giang Đình (Thực hiện)