Với tinh thần huy động sức dân để lo cho dân, trong những năm qua, mặt trận các cấp trong tỉnh đã chung tay với toàn hệ thống chính trị thực hiện đạt được nhiều thành tựu, hoàn thành nhiều việc mới, việc khó. Vai trò tập hợp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết của MTTQ các cấp ngày càng được khẳng định rõ ràng hơn. Qua đó, tạo sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là những hoàn cảnh khó khăn.
Kỳ 1: "Giữ lửa" cho buôn làng
Tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) thay đổi tư duy trong trồng trọt, phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tránh xa tệ nạn..., những già làng, người có uy tín ở tỉnh đang được ví như những người “giữ lửa”, cổ vũ tinh thần đoàn kết của đồng bào bằng câu chuyện nêu gương đầy trách nhiệm.
Già làng Cao Đàm giới thiệu về những thành tích được các cấp khen tặng. |
Việc gì khó đã có... già làng
Một ngày cuối tuần, chúng tôi theo chân già làng Cao Đàm (thôn Gia Răng, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh) đến một số nhà người dân ở thôn để vận động hiến đất làm đường. Tuy đã ở tuổi 77 nhưng già làng Cao Đàm vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, vừa đi ông vừa giải thích: “Đây là con đường liên xã, chạy qua xã Khánh Thành dài khoảng 6km, trong đó qua thôn Gia Răng khoảng 4km. Thôn có 30 hộ bị ảnh hưởng khi làm đường. Cuối năm 2023, các ngành, đoàn thể của xã đã phối hợp với già làng tuyên truyền về lợi ích của việc mở đường. Nhờ đó, 100% người dân đều đồng ý tự nguyện di dời hàng rào, chặt cây và hiến đất nâng cấp, mở rộng đường. Do công trình chưa thi công nên thi thoảng già phải tới nhà nhắc lại để người dân nhớ. Để làm gương, nhà già đã tiên phong hiến đất khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường này”.
Tới từng nhà, già làng Cao Đàm giải thích về sự thuận tiện khi các tuyến đường được mở rộng và vận động người dân chung sức, đồng lòng với địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Là một trong những hộ đồng thuận từ sớm, ông Cao Nhí (thôn Gia Răng) cho biết, khi mở đường, gia đình ông sẽ hiến khoảng 15m2 đất và tự nguyện chặt bỏ giàn bông giấy, bông trang... ở trước sân. “Già làng phân tích cho chúng tôi hiểu, khi có đường mới không chỉ thuận lợi đi lại, vận chuyển nông sản mà còn nâng cao giá trị đất của người dân”, ông Cao Nhí chia sẻ.
Ông Mang Tem (bên phải) trên con đường gia đình ông hiến một phần đất để mở rộng. |
Hiện nay, thôn Gia Răng có hơn 200 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu. Cách đây 10 năm, ở thôn thường xảy ra tình trạng thanh niên không chịu làm ăn, tụ tập rượu chè; có hơn 50% hộ dân trong thôn tự nấu rượu để uống. Từ đó, trong thôn thường xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, hàng xóm đánh nhau. Với sự vận động kiên trì của già làng Cao Đàm và các chi hội đoàn thể chính trị - xã hội của thôn, hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình ở thôn giảm xuống chỉ còn 4 - 5%; rất ít hộ dân nấu rượu, thanh niên chí thú làm ăn; tình trạng tảo hôn không còn. “Gia đình nào thường xảy ra cảnh đánh nhau hay có trẻ bỏ học, tôi tìm đến khuyên can, giải thích, khuyên nhủ bằng những kinh nghiệm của mình. Trong quá trình vận động, khó nhất vẫn là khuyên giải tranh chấp đất đai, nhà cửa. Nhiều lần tôi đến nhà vận động đã bị đuổi về, nhưng tôi vẫn kiên trì giảng giải điều hơn, lẽ phải, thấu tình đạt lý để người dân hiểu. Chỉ khi nào ngoài khả năng giải quyết, tôi mới báo chính quyền hỗ trợ, can thiệp”, già làng Cao Đàm nói.
Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau khi đất nước thống nhất, ông Cao Đàm trở về tham gia công tác ở địa phương. Đảm nhận từ xã đội trưởng đến Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, được bầu chọn làm già làng, dù ở cương vị nào, già làng Cao Đàm cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nói đi đôi với làm
Tiếp đón chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang, được xây cách đây 10 năm, ông Mang Tem (sinh năm 1981), người có uy tín ở thôn Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) tự hào khi gia đình ông là một trong số ít hộ người DTTS trong thôn xây nhà bằng chính tiền tích góp của gia đình, với kinh phí xây dựng lúc đó hơn 120 triệu đồng. Trong nhà, ông còn sắm đầy đủ ti vi, máy quạt, tủ lạnh và các thiết bị hiện đại khác. “Muốn người dân nghe, trước hết mình phải làm gương mới tuyên truyền, vận động bà con được”, đó là phương châm sống của ông Mang Tem. Nói là làm, những năm qua, ông chăm lo phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình khác nhau. Từ khu đất rẫy 1,4ha cha mẹ để lại và khai thác thêm, ông trồng xoài, điều cho thu nhập 70 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn nuôi 6 con bò sinh sản, 10 con dê. Hàng ngày, ông đi lặn biển ở cảng cá Đá Bạc, biển động ông chuyển sang phụ hồ. Từ tiền tích lũy được, ông tự mua một chiếc ghe hơn 10 triệu đồng để đánh bắt thủy sản gần bờ. Trong quá trình chăm lo làm ăn, ông cũng không quên quan tâm việc học hành của con cái. Hơn ai hết, ông hiểu ý nghĩa của việc nắm bắt kiến thức quan trọng đối với tương lai của con cái sau này. Do đó, ông luôn động viên các con chú tâm học hành. Hiện nay, con trai lớn của ông đang học lớp 10, con thứ 2 học lớp 6, đều đạt thành tích tốt trong học tập.
Gần 2 năm nay, ông được người dân bầu làm người uy tín của thôn. Đảm nhận phần việc được giao, ông thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm làm kinh tế của bản thân, các chính sách của Nhà nước đến người dân trong thôn từ các buổi họp thôn đến những lúc đi nương rẫy, đi biển cùng nhau. Là người được ông Mang Tem hỗ trợ nhiều trong việc phát triển kinh tế, anh Mang Dương (thôn Thịnh Sơn) chia sẻ: “Ông Mang Tem thường hay chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho thanh niên trong thôn. Ông còn tạo điều kiện để chúng tôi đi làm biển cùng, giúp chúng tôi phát triển kinh tế. Ông thường nói với chúng tôi không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mình có sức khỏe, lưng dài vai rộng thì chịu khó lao động, tự lực cánh sinh để phát triển kinh tế gia đình. Phần hỗ trợ của Nhà nước để dành cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn”.
Năm 2018, khi Nhà nước có chủ trương mở rộng tuyến đường nội đồng sát nhà, gia đình ông Tem đã hiến hơn 200m2 đất. Đây là tuyến đường chính để người dân vận chuyển nông sản. Tuyến đường được mở rộng, bê tông hóa đã giúp người dân thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất.
Được bầu chọn là người có uy tín trong ĐBDTTS khi tuổi đời còn trẻ, đến nay, ông Cao Truyền (thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) đã 10 năm mang trọng trách người có uy tín. Từ nhỏ, ông theo gia đình làm nương rẫy, trải qua đói khổ khi sống du canh, du cư nên hơn ai hết, ông ý thức phải nỗ lực lao động để thoát khỏi cái nghèo. Năm 1994, sau khi lập gia đình, ông và vợ khai hoang đất trồng mía, mì và lúa nước. Lúa thu hoạch được, vợ chồng ông để dành ăn; tiền bán mía, mì dùng để mua thêm đất mở rộng diện tích. Từ 0,5ha đất ban đầu, đến nay, vợ chồng ông đã có 9ha để trồng mía, lúa nước, mì, keo.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn tuyên truyền người dân mạnh dạn vay vốn làm ăn, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, giúp họ nâng cao thu nhập. Với vai trò là trưởng thôn và người có uy tín, 10 năm qua, ông luôn “giữ lửa” các hoạt động của bản làng. Ông tích cực phối hợp với chính quyền địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh tranh chấp đất đai; tuyên truyền người dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu; tố giác các loại tội phạm trên địa bàn, góp phần giữ bình yên ở địa phương. Từ năm 2021 đến nay, ông đã phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động người dân hiến gần 5.000m2 đất để mở 2 tuyến đường dân sinh; hàng năm vận động các mạnh thường quân trao quà Tết Trung thu cho hơn 200 trẻ em. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc giảm số hộ nghèo tại thôn, từ 45 hộ nghèo trước năm 2020, đến nay chỉ còn 9 hộ.
Nhân tố tiên phong trong các cuộc vận động
Ngoài những tấm gương nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều già làng, người có uy tín tiêu biểu khác, như: Pi Năng Ma Da (thôn Đông, xã Sông Cầu, Khánh Vĩnh); Thị Điêu (thôn Sông Cạn Tây, xã Cam Thịnh Tây, Cam Ranh)… Đó là những cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương tại cơ sở, góp phần để ý Đảng đi vào lòng dân. Từ sự nêu gương của mình, những già làng, trưởng bản, người có uy tín phát huy được vị trí, vai trò trong vận động ĐBDTTS tích cực phát triển sản xuất và xây dựng đời sống mới, đoàn kết, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Bà Thị Điêu (bên trái) tuyên truyền chính sách cho phụ nữ của thôn. |
Ông Võ Nam Thắng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, tính đến tháng 6-2024, toàn tỉnh có 35 DTTS đang sinh sống với hơn 72.000 người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, trong đó có 85 người có uy tín. Những năm qua, các già làng, người có uy tín trong ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vị trí, vai trò trong tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Vừa tuyên truyền đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các già làng, người có uy tín còn là nhân tố tiên phong trong vận động người dân thực hiện nếp sống mới, tham gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhiều già làng, người có uy tín còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên con cháu, người dân tích cực phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu,… Qua đó, giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Những nỗ lực của đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các DTTS, trở thành cánh tay nối dài của chính quyền địa phương.
LY VÂN DUNG
Kỳ 2: Huy động sức dân để lo cho dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin