Lâu nay, nghề câu cá ngừ đại dương là thế mạnh của tỉnh, với ngư trường truyền thống là khu vực Hoàng Sa - Trường Sa, DK1. Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hàng trăm tàu câu cá ngừ vây vàng mắt to, sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 3.200 tấn.
Lâu nay, nghề câu cá ngừ đại dương là thế mạnh của tỉnh, với ngư trường truyền thống là khu vực Hoàng Sa - Trường Sa, DK1. Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hàng trăm tàu câu cá ngừ vây vàng mắt to, sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 3.200 tấn. Sự phát triển của nghề câu cá ngừ đại dương đã mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, giá trị của cá ngừ vây vàng khi xuất khẩu ra thị trường thế giới chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm trong nước chưa đáp ứng đủ các yêu cầu khắt khe của thị trường, trong đó có nhãn sinh thái của Hội đồng Quản lý biển (MSC) - một tổ chức quốc tế đặt ra các tiêu chuẩn đối với thủy sản bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng, có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Yêu cầu mấu chốt để xây dựng nhãn sinh thái MSC đối với sản phẩm cá ngừ vây vàng, mắt to chính là việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong của rùa biển, bởi loài này đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy ngư dân Khánh Hòa không khai thác rùa biển nhưng thực tế, việc sử dụng lưỡi câu trong quá trình câu cá ngừ đại dương đã vô tình khiến rùa biển bị mắc câu. Để hạn chế tình trạng này, từ năm 2014, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam, Tổng cục Thủy sản đã triển khai thực hiện Dự án cải thiện nghề cá (FIP) đối với nghề câu cá ngừ vây vàng tại 3 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Mục tiêu chính của dự án này là thực hiện các biện pháp giảm thiểu tỷ lệ tử vong của rùa biển; cải thiện nghề đánh bắt cá ngừ để tiến tới hoàn tất các thủ tục xin cấp nhãn sinh thái MSC.
Biện pháp để hạn chế tử vong của rùa biển trong quá trình câu cá ngừ đại dương được đưa ra là ngư dân cần chuyển đổi sử dụng lưỡi câu truyền thống (lưỡi câu chữ J), sang sử dụng lưỡi câu vòng (lưỡi câu chữ C), bởi lưỡi câu vòng có thể giảm thiểu tới 80% tỷ lệ mắc câu của rùa biển so với lưỡi câu truyền thống, trong khi năng suất, chất lượng đánh bắt cá ngừ không thay đổi. Thế nhưng, do chưa có bất cứ quy định nào bắt buộc ngư dân phải sử dụng lưỡi câu vòng, nên mới chỉ có khoảng 10% tàu câu cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh sử dụng loại lưỡi câu này. Thậm chí có chủ tàu được hỗ trợ từ dự án, đã nhận lưỡi câu vòng nhưng do thói quen đánh bắt, vẫn sử dụng lưỡi câu truyền thống.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Cá ngừ đại dương Việt Nam, hiện nay, chứng nhận MSC là nhãn hiệu sinh thái được chú trọng trên thế giới, các thị trường tiêu thụ sản phẩm trên thế giới đặc biệt quan tâm đến nhãn hiệu này. Vì vậy, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam sẽ cùng với các tổ chức, doanh nghiệp và ngư dân triển khai mạnh mẽ để vận động ngư dân sử dụng lưỡi câu vòng nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong của rùa biển, hướng đến xây dựng nhãn hiệu sinh thái MSC đối với sản phẩm cá ngừ vây vàng, mắt to. Nhãn hiệu sinh thái MSC sẽ là “tấm vé thông hành” cho sản phẩm cá ngừ Việt Nam nói chung và cá ngừ Khánh Hòa nói riêng thâm nhập và mở rộng vào thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản.
BÍCH LA