Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 8, tổ chức tại Nha Trang trong 2 ngày 14 và 15-11, các nhà nghiên cứu Biển Đông trong nước và quốc tế cùng chia sẻ thông tin; đánh giá diễn biến gần đây, những hệ lụy ở khu vực Biển Đông; đồng thời thảo luận khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 8, tổ chức tại Nha Trang trong 2 ngày 14 và 15-11, các nhà nghiên cứu Biển Đông trong nước và quốc tế cùng chia sẻ thông tin; đánh giá diễn biến gần đây, những hệ lụy ở khu vực Biển Đông; đồng thời thảo luận khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
PSG.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: Căng thẳng ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; mâu thuẫn trên thực địa vẫn không thay đổi về bản chất. Các vụ va chạm, các thay đổi nguyên trạng trên thực địa vẫn tiếp diễn. Các hoạt động xây dựng và lắp đặt trang thiết bị phục vụ mục đích quân sự và do thám ở các điểm đảo: Chữ Thập, Vành Khăn, Subi... không giảm tốc độ. Vẫn còn nhiều vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven Biển Đông ở gần khu vực Trường Sa và đặc biệt là Hoàng Sa. Tình hình cải tạo đảo và quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Tình trạng môi trường biển khu vực tiếp tục xuống cấp đáng báo động.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu đánh giá, về pháp lý, phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã có tác động chính trị và pháp lý to lớn và lâu dài. Phán quyết không chỉ làm sáng tỏ và thu hẹp phạm vi các vùng biển thực sự có tranh chấp tại Biển Đông mà còn đánh giá nhiều hành động trên Biển Đông trong thời gian qua là không phù hợp với quy định của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển. Phán quyết cũng gián tiếp nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong phần lớn vùng biển của Biển Đông.
Có thể nói, phán quyết của PCA có tính bước ngoặt trong việc tái khẳng định: quyền chủ quyền của các quốc gia phải được tôn trọng tuyệt đối, theo đúng pháp luật quốc tế; và việc tôn trọng quyền chủ quyền của các quốc gia chính là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các kết luận của phán quyết nói trên mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực lợi ích chung như nghề cá; an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hợp tác như thế nào, bao gồm những nội dung gì, cơ chế ra sao... hiện vẫn đang là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Có thể ví dụ như hợp tác xây dựng bộ quy tắc phòng ngừa va chạm bất ngờ trên biển và hợp tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản; tổ chức đối thoại giữa lực lượng chấp pháp trên biển của các nước tiếp giáp Biển Đông; hợp tác giữa các nhà khoa học; xây dựng công viên biển...
Biển Đông luôn chịu nhiều tác động trái chiều, từ nhiều phía, khiến diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Do vậy, nói như đồng chí Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa tại hội thảo, hơn lúc nào hết, tình hình Biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực, cũng như các cơ chế cần thiết để duy trì trật tự và pháp luật trên biển. Ở Biển Đông, không chỉ có vấn đề hòa bình, ổn định, mà còn có cả những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia; sinh kế của các cộng đồng ven biển; tính bền vững của hệ sinh thái đại dương.
PHONG NGUYÊN