11:07, 14/07/2016

Phải được tôn trọng!

Ngày 12-7, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) - được thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.

Ngày 12-7, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) - được thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.


Một số kết luận của PCA đáng lưu ý: Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”, còn gọi là “đường lưỡi bò”; Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này; đã gây hại nghiêm trọng môi trường của các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt; việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp; Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ về kiềm chế làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các bên trong quá trình thụ lý, xét xử...


Trước sự kiện quan trọng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Việt Nam hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này, đã được thể hiện đầy đủ tại Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tới PCA. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.


Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Chúng ta đều biết, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ trên Biển Đông không chỉ vi phạm chủ quyền lãnh thổ của các nước liên quan mà còn là sự thách thức nghiêm trọng đối với quyền lợi giao thông hàng hải, hàng không… của cộng đồng quốc tế; vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật Biển năm 1982. Vì vậy, nhiều quốc gia, nhiều học giả uy tín trên thế giới đã lên tiếng quyết liệt phản đối “đường lưỡi bò” phi lý và đầy tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.


Vậy là PCA đã tuyên bác bỏ các quyền lịch sử và giá trị “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã tự vẽ ra, bao gồm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Có thể nói, phán quyết của PCA ngày 12-7 là cơ sở quan trọng để các quốc gia có liên quan trong khu vực đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.


Dư luận quốc tế đánh giá, phán quyết của PCA có tính bước ngoặt trong việc khẳng định: quyền chủ quyền của các quốc gia phải được tôn trọng tuyệt đối, theo đúng pháp luật quốc tế. Đây là quyền bất khả xâm phạm. Và, việc tôn trọng quyền chủ quyền của các quốc gia chính là nền tảng quan trọng trong xây dựng, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.


Không chỉ có vậy, ở đây, luật pháp quốc tế nói chung, phán quyết của PCA ngày 12-7 nói riêng phải được các bên tôn trọng triệt để. Không ai được quyền đứng bên ngoài vòng pháp luật.


PHONG NGUYÊN