Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế; cải cách hành chính của các địa phương trong năm 2015 không có nhiều chuyển biến đột phá.
Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế; cải cách hành chính của các địa phương trong năm 2015 không có nhiều chuyển biến đột phá. Điểm số trung bình của cả nước đạt 58,47 điểm, hầu như không thay đổi so với điểm số 58,58 của năm 2014.
Nói thêm, chỉ số PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Một địa phương được đánh giá có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền cấp tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp (DN); 8) Dịch vụ hỗ trợ DN phát triển, có chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.
Năm 2015, điểm tổng hợp PCI của Khánh Hòa đạt 58,69; xếp hạng thứ 27 trong tổng số 63 tỉnh, thành.
Về điểm tổng hợp, Khánh Hòa ở mức trung bình của cả nước, 58,69 điểm so với 58,47 điểm. Về vị thứ, Khánh Hòa tụt mất 11 bậc so với chính mình năm 2014. Nhìn trong “lịch sử” PCI Khánh Hòa, kết quả công bố lần đầu tiên của VCCI năm 2007, Khánh Hòa xếp vị thứ 40. Cố gắng lắm, nâng lên 36, 30 ở các năm 2008, 2009 rồi lại trở về vị thứ 40 năm 2010. Từ năm 2012 qua 2013, Khánh Hòa tụt tới 10 bậc, từ vị thứ 24 xuống 34. Như vậy, chỉ số PCI tụt xuống 11 bậc lần này là mức tụt sâu nhất của Khánh Hòa từ trước tới nay.
Có nhiều câu hỏi được đặt ra.
Khánh Hòa còn thiếu, còn yếu những điểm nào trong số 10 nội dung nêu trên? Yếu ở đâu? Yếu tới mức độ nào? Vì sao lại yếu như vậy? Có lẽ, cần phải phân tích sâu sắc, thấu đáo để trả lời cho được những câu hỏi này. Trên cơ sở đó mới xác định được giải pháp khắc phục.
Dễ thấy, 10 yêu cầu nêu ở trên đều là những nội dung mang tính sống còn, gắn chặt với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; lại có liên quan mật thiết với các hoạt động quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Quy định về quản lý đã có. Thủ tục hành chính cũng đã được xác định rõ. Còn lại là tổ chức thực hiện. Vậy nhưng, theo VCCI, có khoảng 65% DN nhỏ và siêu nhỏ cho biết phải thường xuyên chi trả chi phí không chính thức; các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng “kêu” rất nhiều về câu chuyện chi phí không chính thức. Vậy, chúng ta phải tìm hiểu xem, chi phí không chính thức là những loại chi phí gì; các DN đã phải chi bao nhiêu... Hoặc như kiểm tra lại xem môi trường kinh doanh, thông tin kinh doanh đã minh bạch, công khai chưa; thời gian thực hiện các quy định, thủ tục hành chính đã nhanh chưa...
Nâng cao điểm, vị thứ PCI, do đó, phải được bắt đầu từ câu chuyện nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, các địa phương. Thủ trưởng phải kiểm soát được hoạt động của cấp dưới mình. Cấp dưới phải thật sự gắn bó, có trách nhiệm với công việc mới có thể tham mưu xử lý vấn đề nhanh, gọn, hiệu quả.
Và, một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia gợi ý lúc này là song song việc tăng cường giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức phải làm thật mạnh công tác thanh tra công vụ, định kỳ cũng như đột xuất.
PHONG NGUYÊN