09:02, 23/02/2016

Cần tạo thói quen sử dụng rau an toàn

Những năm gần đây, câu chuyện về trồng rau an toàn hay còn gọi là rau sạch ở Khánh Hòa đang có những bước chuyển biến thông qua mô hình VietGAP. Từ chỗ manh mún, nhỏ lẻ, các hộ trồng rau đã tìm được tiếng nói chung thông qua mô hình sản xuất có sự liên kết chặt chẽ với thị trường để tạo ra một hướng đi đầy triển vọng.

Những năm gần đây, câu chuyện về trồng rau an toàn hay còn gọi là rau sạch ở Khánh Hòa đang có những bước chuyển biến thông qua mô hình VietGAP. Từ chỗ manh mún, nhỏ lẻ, các hộ trồng rau đã tìm được tiếng nói chung thông qua mô hình sản xuất có sự liên kết chặt chẽ với thị trường để tạo ra một hướng đi đầy triển vọng.


Khánh Hòa không phải là vựa rau lớn so với các tỉnh lân cận như: Lâm Đồng, Đắk Lắk. Tuy nhiên, với đặc thù thổ nhưỡng, nơi đây vẫn có được những khu vực chuyên trồng rau để cung cấp cho thị trường. Hiệu quả bước đầu từ mô hình rau an toàn ở Ninh Đông (Ninh Hòa) và Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) thông qua mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là một ví dụ. Sản xuất theo mô hình này, người dân được hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, được tạo điều kiện về đầu ra, giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Việc trồng rau ở đây không chỉ giúp người trồng rau có thể nghĩ đến chuyện làm giàu mà còn mở ra hướng phát triển mới.


Trong cuộc họp cách đây chưa lâu, đại diện siêu thị Co.opmart chia sẻ: “Trước đây, nguồn rau của siêu thị được lấy chủ yếu từ Đà Lạt. Vài năm gần đây, khi mô hình rau an toàn ở Ninh Đông hội đủ các điều kiện cần thiết về an toàn thực phẩm, chúng tôi đã chuyển qua lấy rau ở đây. Với khoảng cách gần hơn, rau Ninh Đông có chất lượng và giá thành rất ổn định”. Khi có được sự liên kết với các siêu thị, nông dân trồng rau theo đơn đặt hàng nên đầu ra sản phẩm luôn được đảm bảo.


Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sản xuất rau an toàn không chỉ có ý nghĩa đảm bảo nguồn rau sạch cho địa phương, mà còn là cơ sở để duy trì, phát triển và tiếp tục nhân rộng hướng sản xuất rau VietGAP trên địa bàn tỉnh. Việc chuyển đổi phương thức sản xuất rau góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế địa phương theo định hướng thị trường, nâng cao khả năng sản xuất nông nghiệp an toàn bền vững, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống nông dân. Sản phẩm mà có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của các cơ quan chức năng, sự thay đổi về nhận thức của người dân thì chắc chắn sẽ có chất lượng tốt hơn và dần được thị trường chấp nhận.


Dẫu vậy, để rau sạch thực sự trở thành một điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp ở Khánh Hòa, các cơ quan chức năng cũng như nông dân đang còn không ít trăn trở. Tại các chợ, việc một bó rau sạch đắt hơn so với rau thông thường khiến không ít người tiêu dùng lựa chọn loại rau rẻ hơn. Trong khi đó, các siêu thị chỉ chiếm khoảng 20 - 30% kênh bán hàng thực phẩm rau củ quả, phần còn lại phải qua kênh truyền thống (chợ). Bên cạnh đó, rau sạch vẫn chưa tiếp cận được với các bếp ăn tập thể như: trường học, bệnh viện, khu công nghiệp…, các cơ quan nhà nước có sử dụng thực phẩm vẫn chưa ưu tiên sử dụng rau an toàn.


Thiết nghĩ, nông dân đã có những thay đổi để hướng đến sản xuất bền vững, cung cấp cho thị trường sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất, thì có lẽ người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen, ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, được kiểm soát chặt chẽ về quy trình sản xuất và được chứng nhận là sản phẩm an toàn.


H.Đ