10:12, 03/12/2015

Lo đầu ra

Khánh Sơn mùa này rừng xanh ngăn ngắt. Rừng đang từng ngày xanh lên trên những đồi núi trọc trước đây. Đó là những cánh rừng trồng, rừng cây keo lá tràm.

Khánh Sơn mùa này rừng xanh ngăn ngắt. Rừng đang từng ngày xanh lên trên những đồi núi trọc trước đây. Đó là những cánh rừng trồng, rừng cây keo lá tràm.


Rừng xanh giữ đất, giữ nước. Và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Điều ấy ai cũng biết. Nhưng, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Khánh Sơn, trước đây vận động nhân dân trồng rừng rất khó khăn, không mấy ai mặn mà với công việc này. Bởi, người dân chưa thấy được lợi ích từ việc trồng rừng; bản thân công việc trồng rừng chưa thực sự mang lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định. Chỉ tiêu về diện tích rừng trồng, do vậy, luôn là nỗi lo canh cánh của huyện.


Nay khác rồi! Người dân trồng rừng hăm hở và rất tích cực. Nhiều người còn tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng. Câu chuyện trồng rừng giờ nghe râm ran đầy khí thế. Khánh Sơn hiện có 564ha rừng trồng theo Chương trình 147. Và người dân tự trồng được hơn 300ha rừng nữa. Con số 300ha rừng dân tự trồng ở đây có ý nghĩa rất đặc biệt. Nó cho thấy, đã có chuyển biến rất tốt trong nhận thức người dân về kinh tế rừng; người dân đã sống được với rừng, đã gắn bó với rừng. Thu nhập từ trồng rừng hiện ở mức từ 50 tới 60 triệu đồng/ha.


Không chỉ có ý nghĩa kinh tế, việc người dân miền núi thực sự gắn bó với rừng còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác, về môi trường sinh thái, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng...


Một trong những yếu tố giúp người dân Khánh Sơn yên tâm trồng rừng là đầu ra được bảo đảm, không phải lo nơm nớp rừng trồng ra rồi gỗ không biết bán cho ai. Trong khi nhiều địa phương ở Tây Nguyên hiện đang rất lúng túng trong câu chuyện giải quyết đầu ra cho sản phẩm rừng trồng; sản phẩm làm ra không tiêu thụ được; đời sống người trồng rừng lâm vào khó khăn thì Khánh Sơn đã và đang từng bước có lời giải cho bài toán hóc búa này.


Lãnh đạo huyện đã mời một số doanh nghiệp có nhu cầu thu mua gỗ lên địa bàn, cùng bàn bạc với các xã, với người dân về cách làm. Chính quyền hướng dẫn cho dân, giúp dân nắm bắt thông tin và chọn doanh nghiệp, chọn cách làm có lợi nhất. Doanh nghiệp ký hợp đồng với dân, về kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất, về ứng vốn, về bao tiêu sản phẩm. Người dân cứ theo hợp đồng, yên tâm với công việc chăm sóc rừng, đợi đến chu kỳ thu hoạch. Hiện nay có Công ty Cát Phú và Đại Thắng thu mua sản phẩm rừng trồng ở Khánh Sơn. Với cách làm trên, các doanh nghiệp này đã gắn bó với người dân, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho dân trong sản xuất. Huyện và các doanh nghiệp này đang bàn việc xây dựng cơ sở sơ chế gỗ ngay tại địa bàn để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp lẫn người trồng rừng.


Có thể nói, cách làm của Khánh Sơn đang đem lại hiệu quả thiết thực; tạo động lực phát triển kinh tế, thể hiện được tinh thần trách nhiệm trước dân.


PHONG NGUYÊN