Trong tiến trình phát triển, nhiều thành phố trên thế giới đã tập trung xây dựng, xác lập triết lý phát triển cho riêng mình theo từng giai đoạn, hoặc là cả một quá trình dài. Nhiều tên gọi thành phố đã gắn chặt với triết lý phát triển của nó.
Trong tiến trình phát triển, nhiều thành phố trên thế giới đã tập trung xây dựng, xác lập triết lý phát triển cho riêng mình theo từng giai đoạn, hoặc là cả một quá trình dài. Nhiều tên gọi thành phố đã gắn chặt với triết lý phát triển của nó. Chẳng hạn, đô thị Metro Manila (Philippines) phát triển “Hướng tới một đô thị nhân văn tầm quốc tế”; Bangkok (Thái Lan) là “Thành phố hòa bình, văn minh và nụ cười”; Kuala Lumpur (Malaysia) với “Thành phố nghệ thuật và nhân văn”... Ở Việt Nam, những năm trước đây, TP. Hồ Chí Minh xác định: “Thành phố văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”. Dự kiến, Đại hội Đảng bộ thành phố lần này bổ sung hai yếu tố mới, gồm “chất lượng sống tốt và nghĩa tình”.
Việc xác lập được triết lý phát triển có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị. Nó là nguyên tắc cơ bản luôn được áp dụng trong phát triển; phải được tôn trọng và tuân thủ, cho dù người lãnh đạo là ai, thuộc thế hệ nào. Tập thể lãnh đạo có nhiệm vụ cụ thể hóa, đưa tinh thần triết lý phát triển vào cuộc sống. Đó là những giá trị cơ bản mà cả cơ quan công quyền lẫn người dân đều mong muốn đạt đến.
Cơ sở xây dựng triết lý phát triển đô thị luôn xuất phát từ điều kiện vị trí địa lý, dân số, lịch sử, kinh tế, văn hóa, vai trò và tầm quan trọng của đô thị đó đối với khu vực. Và, nếu xác định cho một quá trình dài, triết lý phát triển góp phần giảm thiểu tác hại của tư duy “nhiệm kỳ” trong xây dựng chiến lược, quy hoạch.
Khánh Hòa chúng ta đã xác lập triết lý phát triển như thế nào? Trước nay, những cụm từ như “Khánh Hòa - Văn minh và thân thiện”; “Khánh Hòa - Hòa bình và sáng tạo”... đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Song, nó chỉ mang ý nghĩa như một slogan cho một sự kiện, cho một chuỗi hoạt động, mà ở đây, cụ thể là các kỳ Festival Biển. Những cụm từ ấy chưa đủ cơ sở, điều kiện để được coi là triết lý phát triển.
Ví dụ, chúng ta xác định triết lý phát triển của Khánh Hòa đến năm 2030 là “Văn minh và thân thiện” chẳng hạn. Xác định vậy có nghĩa là hai nội dung “văn minh” và “thân thiện” phải luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung định hướng phát triển của Khánh Hòa đến năm 2030; được thể hiện cụ thể trong các nghị quyết của đại hội Đảng bộ từng nhiệm kỳ. Và, các chương trình hành động, chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, một lần nữa, cụ thể hóa ở mức cao hơn, qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội địa phương.
Phân tích ví dụ, triết lý “Văn minh và thân thiện” phản ánh tương đối đầy đủ các yếu tố cấu thành của một đô thị Khánh Hòa. “Văn minh” bao hàm sự thuận lợi, tiện nghi, thoải mái; thể hiện qua cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, qua lối sống và nét văn hóa của người dân trên các lĩnh vực khoa học, nề nếp, kỷ cương... “Thân thiện” bao hàm các mối quan hệ giữa con người với con người; giữa con người với tự nhiên; thể hiện qua lối ứng xử lịch lãm, giàu tình người, giàu tính nhân văn.
Để đạt đến những mục tiêu “văn minh” và “thân thiện” (theo ví dụ ở trên), tất nhiên, chúng ta phải xây dựng chiến lược phát triển, đề ra giải pháp cho từng thời kỳ, với những nội dung sát hợp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII sắp diễn ra. Nên chăng, tại đại hội, câu chuyện xây dựng triết lý phát triển cho Khánh Hòa được đưa ra bàn thảo. Để trong phương hướng chung, Khánh Hòa có hẳn một triết lý phát triển cụ thế cho riêng mình.
PHONG NGUYÊN