Yêu cầu dừng thi công nếu chủ đầu tư không giải quyết hợp lý - đó là thái độ cương quyết của lãnh đạo huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) về việc hàng loạt nhà dân bị nứt gãy, ảnh hưởng từ công trình cầu vượt đường sắt Hòa Tân.
Yêu cầu dừng thi công nếu chủ đầu tư không giải quyết hợp lý - đó là thái độ cương quyết của lãnh đạo huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) về việc hàng loạt nhà dân bị nứt gãy, ảnh hưởng từ công trình cầu vượt đường sắt Hòa Tân. Trong khi chờ chủ đầu tư có những động thái tích cực hơn, ít ra người dân xã Suối Tiên cũng cảm thấy yên tâm, tin tưởng vì đã có tiếng nói và sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương.
Thật ra, thi công một công trình nào đó bao giờ cũng cần có sự hợp tác, cảm thông từ 2 phía: chủ đầu tư
và người dân. Vụ việc hàng chục hộ dân ở thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân ngăn cản không cho đơn vị thi công thực hiện thảm nhựa mặt cầu Hòa Tân là một phản ứng tiêu cực nhưng vì quá bức xúc nên họ mới làm vậy. Họ bức xúc vì hơn một năm qua, nhiều căn nhà ở đây bị nứt gãy, phải “kêu” rất nhiều lần, chủ đầu tư mới áp giá đền bù nhưng với mức không đủ để tu sửa. Một hình ảnh trái ngược khi công trình cầu vượt bề thế sắp hoàn thành bên cạnh những căn nhà bị nứt gãy. Đến khi bị người dân ngăn cản thi công, chủ đầu tư lại hứa “sẽ cam kết bồi thường”.
Tại sao không có những thỏa thuận, bồi thường hợp lý ngay từ đầu để không có cảnh người dân ngăn cản? Mức đền bù đủ để người dân sửa chữa lại nhà đâu quá khó xác định, vì còn có nhiều cơ quan chức năng thẩm định, sao chủ đầu tư không thực hiện?
Lại nhớ đến chuyện mấy tháng nay, người dân ở phường Phước Hải (Nha Trang) cũng nơm nớp sống trong những căn nhà bị nứt toác, kể từ khi Dự án Khu đô thị mới của Vinaconex và đường Phong Châu được triển khai xây dựng. Điều khiến cho các hộ dân ở đây bức xúc nhất chính là việc thờ ơ của chủ đầu tư, bởi người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng chủ đầu tư không phản hồi. Được biết, UBND TP. Nha Trang đã giao cho Phòng Quản lý đô thị phối hợp với chủ đầu tư giải quyết những kiến nghị của người dân. Thế nhưng, từ đó đến nay vẫn chưa có động thái nào của nhà đầu tư đối với những căn nhà bị ảnh hưởng này.
Về mặt pháp lý, khi chuẩn bị thi công một công trình nào đó, chủ đầu tư phải có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình lân cận, có hồ sơ khảo sát hiện trạng những công trình xung quanh trước khi khởi công. Trường hợp đang thi công mà xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến các công trình lân cận, chủ đầu tư phải có ngay phác đồ xử lý sự cố, không để thiệt hại nhiều hơn. Nếu thực hiện đúng như vậy sẽ không có chuyện tranh cãi về nguyên nhân gây ra lún, nứt... Thế nhưng trên thực tế, một số đơn vị thi công hay chủ đầu tư lại ít quan tâm đến vấn đề khảo sát hoặc có khảo sát nhưng làm không kỹ nên rất khó xử khi xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến các công trình xung quanh.
Và khi sự cố xảy ra, người dân bị thiệt thòi nhất. Họ vừa mất thời gian khiếu nại, vừa tốn công tốn sức để bảo vệ tài sản của mình. Vậy nên trong hoàn cảnh này, điều họ cần nhất là sự quan tâm, cách giải quyết quyết liệt của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.
Thiết nghĩ, ngay cả nhà đầu tư cũng phải cần quan tâm đến người dân. Như thế việc “mong được bà con thông cảm cho đơn vị thi công” - như chủ đầu tư dự án cầu vượt Hòa Tân mong muốn - đâu có quá khó?
HẢI NGUYỆT