11:08, 09/08/2015

Bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.150 di tích, công trình, địa điểm, khu vực thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên (gọi chung là di tích), trong đó có 181 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Những năm qua, UBND tỉnh và cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản về bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa  trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.150 di tích, công trình, địa điểm, khu vực thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên (gọi chung là di tích), trong đó có 181 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Những năm qua, UBND tỉnh và cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản về bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa các cấp đã huy động nhiều nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo DTLS-VH.



Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã tích cực lập hồ sơ các dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích. Tính đến nay, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách tỉnh và nguồn thu công đức tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar, toàn tỉnh có 63 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo. Qua đó, nhiều di tích đã được phát huy giá trị, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân, góp phần bảo tồn nét kiến trúc đặc trưng, giữ gìn và phát huy giá trị di sản mà các thế hệ tiền nhân để lại. Không chỉ vậy, công tác bảo vệ và phát huy giá trị DTLS-VH cũng đã huy động được nguồn lực khá lớn từ nhân dân, cộng đồng xã hội. Cụ thể như ở TP. Nha Trang, trong giai đoạn 2006-2010, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể đình làng có sự đóng góp của người dân hơn 1,5 tỷ đồng; hoặc từ năm 2013 đến nay, việc hỗ trợ tu bổ các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố có 20% từ nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân… Điều này cho thấy, cộng đồng dân cư ngày càng ý thức rõ hơn tầm quan trọng và giá trị của DTLS-VH.


Hiện nay, công tác kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng, lập hồ sơ xếp hạng các DTLS-VH đang khẩn trương thực hiện. Dự kiến đến cuối năm 2015, công tác kiểm kê sẽ kết thúc. Hầu hết các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh đều được khoanh vùng, cắm mốc. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DTLS-VH cũng được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được ngành chức năng thực hiện thường xuyên. Những hoạt động này nhằm bảo đảm toàn vẹn di tích; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DTLS-VH, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…


Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát huy giá trị DTLS-VH vẫn còn những tồn tại như: công tác quản lý, lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo chưa cụ thể dẫn đến một số di tích chậm được bảo quản, tu bổ theo quy định; các tư liệu, tài liệu, vật dụng, sắc phong… của một số di tích xuống cấp chưa được phục chế; một số nơi không còn lưu giữ tư liệu liên quan đến di tích làm ảnh hưởng đến việc lập hồ sơ, xếp hạng, cấp bằng công nhận. Mặt khác, một số di tích có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống, đạo đức… chưa được khai thác và phát huy giá trị, như: Miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, Trung liệt Điện thờ sĩ phu yêu nước Trần Quý Cáp, mộ nhà chí sĩ yêu nước Trần Đường, lăng Bà Vú, Phủ đường Ninh Hòa, địa điểm lưu niệm tàu C235…


Để việc bảo vệ và phát huy giá trị DTLS-VH ngày càng hiệu quả hơn, thời gian tới, các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, việc phê duyệt các dự án đầu tư cần tránh ảnh hưởng đến cảnh quan, phá vỡ không gian các di tích; có chế độ hỗ trợ hợp lý đối với người trực tiếp quản lý, bảo vệ các di tích đã được xếp hạng. Ngoài ra, công tác bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn cho cán bộ văn hóa các cấp, cán bộ các ban quản lý; phục hồi, bảo quản, bảo tồn các sắc phong, cổ vật; giữ gìn cảnh quan môi trường xung quanh khu vực, giải quyết tình trạng lấn chiếm, tranh chấp về đất đai ở các di tích… cũng cần được khẩn trương thực hiện.


ĐẠI HẢI