Hội thảo thường niên Mía đường Quốc tế lần 3-2015 được tổ chức tại Nha Trang hôm qua (16-7) thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả từ những tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mía đường hàng đầu thế giới của Brazil, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Sri Lanka.
Hội thảo thường niên Mía đường Quốc tế lần 3-2015 được tổ chức tại Nha Trang hôm qua (16-7) thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả từ những tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mía đường hàng đầu thế giới của Brazil, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Sri Lanka. Đây cũng là dịp để những chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, khoa học, đại diện của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, đội ngũ quản lý các nhà máy đường danh tiếng tại Việt Nam, các nông dân tiêu biểu... thảo luận về chủ đề làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam chuẩn bị hội nhập ASEAN.
Vấn đề được nêu bật tại hội thảo là: cơ giới hóa chính là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường ở Việt Nam. Những mô hình này cần được đánh giá, nhân rộng và chuyển giao đến người nông dân trồng mía. Tuy nhiên, ngoài những giải pháp, phân tích, đánh giá ấy, hội thảo còn có những thông tin thú vị được các chuyên gia đến từ các nước Brazil, Thái Lan chia sẻ. Chẳng hạn như ở Bazil - nơi xuất khẩu mía nhiều nhất thế giới, mía còn được biến thành năng lượng sinh học, bằng việc chưng cất loại nước đường từ cây mía tạo ra ethanol sinh học, có thể cung cấp nhiên liệu cho xe; hoặc sản xuất điện sinh khối từ bã mía... Như vậy, có thể thấy, ngành mía có thể phát triển mạnh, trở thành một nghề làm giàu cho nông dân.
Có lẽ, những điều này còn quá xa lạ với những người trồng mía Việt Nam. Với ngành mía đường nước ta - rất nhiều vấn đề khó khăn cần được tháo gỡ khi đang là một trong những ngành hàng được bảo hộ cao nhất nhưng được đánh giá là yếu toàn diện từ khâu sản xuất, chế biến cho đến phân phối. Còn nhớ, tại một buổi hội thảo cũng về mía đường được tổ chức ở Hà Nội cách đây chưa lâu, vấn đề được các đại biểu quan tâm là liệu ngành mía đường có nên tiếp tục núp bóng dưới hàng rào bảo hộ hay mở rộng sản xuất để cạnh tranh và xuất khẩu? Cạnh tranh với đường nhập khẩu từ ASEAN khi hàng rào bảo hộ được dỡ bỏ không hề dễ dàng. Trong khi đó, nếu không cần bảo hộ thì ngành mía đường cần có một chính sách cơ bản, hợp lý để cạnh tranh được khi mở cửa. Những vấn đề này liên quan đến quy hoạch, về giống, thay đổi cách thâm canh, áp dụng tưới, cơ giới hóa và tổ chức lại sản xuất... Nhiều người cho rằng, nếu không thay đổi hoặc có những chính sách đột phá thì ngành mía đường không cạnh tranh được ngay với đường của Lào, Campuchia chứ đừng nói gì đường Thái Lan.
Từ những vấn đề vĩ mô của các cuộc hội thảo, ngẫm đến sự bấp bênh của cây mía và cả những bấp bênh của người trồng mía. Ở Khánh Hòa, hầu như đến mùa thu hoạch mía năm nào cũng có chuyện để nói. Không vì chuyện mía đắng vì mất mùa, vì sâu bệnh thì cũng là nỗi lo lo mía cháy, rồi thì chuyện vận chuyển khó khăn... Thậm chí, người trồng mía còn cuống cuồng sợ bị phạt vì không đủ sản lượng để giao cho nhà máy đường như đã cam kết, hoặc mất ăn mất ngủ vì xe chở mía bị chặn... Nếu những cảnh này cứ lặp lại thì người trồng mía luôn cảm thấy bất an, làm sao gắn bó với cây trồng, với nghề mía đường?
Nói vậy để thấy, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường, trước hết phải giải quyết tận gốc những vấn đề tồn tại lâu nay. Bởi, khi đã hội nhập, ngoài năng suất, chất lượng, còn phải quan tâm đến đầu ra, giá cả ổn định và ngay cả cuộc sống của nông dân. Bởi cứ nếu bấp bênh như thế, người trồng mía sẽ không thể gắn bó dài lâu với cây mía...
Mong lắm trong tương lai không xa, sẽ không còn những câu chuyện buồn về mía như thế, để nông dân yên tâm sản xuất và ngành mía đường vững vàng hội nhập.
HẢI NGUYỆT