06:07, 31/07/2015

Chuông học tập

Tại Hội nghị biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010 - 2015 được tổ chức giữa tháng 7 vừa qua, có một mô hình được nhiều người quan tâm. Đó là tiếng chuông học tập ở Giáo xứ Tân Bình, huyện Cam Lâm.

Tại Hội nghị biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010 - 2015 được tổ chức giữa tháng 7 vừa qua, có một mô hình được nhiều người quan tâm. Đó là tiếng chuông học tập ở Giáo xứ Tân Bình, huyện Cam Lâm.


Giáo xứ Tân Bình là khu dân cư gồm hai thôn Văn Tứ Đông và Văn Tứ Tây, có trên 95% dân số theo đạo Thiên Chúa. Trước đây, vì quá lo cho cơm áo, đời sống, nhiều phụ huynh không có điều kiện chăm lo việc học hành của con cháu mình. Buổi tối, các cháu không tập trung học tập mà tụ tập chơi đùa, thậm chí quậy phá, gây ồn ào, mất trật tự trong thôn xóm. Nhiều cháu học yếu, phải lưu ban, rồi bỏ học.


Trước thực tế đó, năm 1999, chính quyền, Mặt trận, linh mục quản xứ, ban hành giáo giáo xứ cùng bàn bạc rồi quyết định hai việc. Một là cứ hàng đêm, lúc bảy giờ tối, nhà thờ gióng một hồi chuông, tất cả các em trong độ tuổi đều phải ngồi vào bàn học. Hai là thành lập quỹ khuyến học, để khen thưởng các cháu học tốt và giúp đỡ những trường hợp học sinh có gia cảnh khó khăn được tiếp tục học tập.


Từ đó, ở Giáo xứ Tân Bình, mỗi tối, khi có chuông nhà thờ báo hiệu, các em học sinh đều ngồi vào bàn học. Ban hành giáo đi kiểm tra từng nhà một, những em còn la cà, tụ tập ngoài đường sẽ được đưa về tận gia đình. Nếu còn tái phạm sẽ thông báo cho mọi người trong giáo xứ biết để cùng khuyên bảo.


Người dân Tân Bình gọi tiếng chuông hàng đêm ấy là chuông học tập, chuông khuyến học. Gọi theo cách nào cũng thấy thật nhiều ý nghĩa. Từ ngày có tiếng chuông, các em học sinh tiến bộ hẳn, chấm dứt được hiện tượng trốn học, bỏ học do thiếu căn bản, không thuộc bài; tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, quậy phá dứt hẳn.


Có điều xúc động là tiếng chuông học tập của nhà thờ Tân Bình ngân xa, đến những thôn khác xung quanh, nhắc nhở cả những em nhỏ trong nhiều hộ dân không theo đạo Thiên Chúa tự giác ngồi vào bàn học.


Sự thành công của mô hình này xuất phát từ ý tưởng thiết thực, đưa ra được biện pháp cụ thể giúp các em nhỏ khắc phục khó khăn, nhược điểm mà  học tập tốt hơn. Điều ấy đã hẳn.


Tìm hiểu từ thực tế, có thể thấy, đây là kết quả của sự phối hợp một cách chặt chẽ giữa chính quyền, giáo xứ và gia đình. Sự phối hợp kiểm tra chặt chẽ; xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm ấy khiến các em nhỏ chấp hành tốt. Song hành với tiếng chuông, việc liên lạc giữa nhà trường, cha sở, ban hành giáo với phụ huynh học sinh ngày càng mật thiết. Từ đó, qua kết quả học tập, các cháu yếu được nhắc nhở, động viên; các cháu khá được biểu dương, khen thưởng kịp thời.


Và, kèm theo đó là sự kiên trì, bền bỉ. Các em nhỏ lúc đầu bỡ ngỡ nhưng sau thành nếp, đã hình thành được ý thức chuẩn bị để cứ đúng bảy giờ tối là sẵn sàng ngồi vào bàn học.


Câu chuyện tiếng chuông học tập ở Tân Bình không chỉ thật nhiều ý nghĩa trên lĩnh vực học tập, giáo dục mà còn là một trong những gợi ý sinh động về việc tổ chức thực hiện phong trào.


PHONG NGUYÊN