Những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt một số kết quả đáng khích lệ.
Những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt một số kết quả đáng khích lệ.
Trong phát triển nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đang quản lý, điều hành hơn 29,4 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp hơn 2.900 hộ nông dân được hỗ trợ vốn xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn được đầu tư đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích đã góp phần hạn chế tình trạng vay nóng, vay lãi suất cao ở nông thôn, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm ăn hiệu quả, thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, các cấp hội còn phối hợp với các ngân hàng ủy thác qua hội giúp nông dân vay vốn và sử dụng vốn. Tính đến cuối năm 2014, dư nợ ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt trên 642 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2010 với trên 39.600 hộ vay; dư nợ tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh trên 298,6 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2010 với hơn 10.000 hộ vay.
Các cấp hội cũng đã phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn tổ chức hàng ngàn buổi tập huấn khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân định hướng nghề nghiệp, sản xuất kinh doanh, hình thành các tổ liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm của nông dân tại các hội chợ, triển lãm, phối hợp đưa nông sản vào hệ thống phân phối chuyên nghiệp, siêu thị; phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp cung ứng vốn, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp, giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất…
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động hỗ trợ nông dân vẫn còn một số hạn chế. Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu chưa đáp ứng được yêu cầu. Thông tin về chính sách, pháp luật liên quan đến sản xuất nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, công nghệ, thị trường còn hạn chế. Mục tiêu nâng cao đời sống của nông dân chưa đạt yêu cầu đề ra, một số nơi đời sống nông dân còn khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa bền vững...
Để hoạt động hỗ trợ nông dân đạt kết quả cao hơn, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm triển khai có hiệu quả nội dung Kết luận 61/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”. Các cấp hội nông dân cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển nông nghiệp, mở rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, chủ động tham gia các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
NGỌC KHÁNH