10:06, 04/06/2015

Chậm, tàu 67!

Sau ngót 10 tháng triển khai, ngày 4-6, tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, chiếc tàu đánh bắt xa bờ đầu tiên thực hiện theo Nghị định 67 của Chính phủ, vỏ composite, mang số hiệu KH - 95177 TS, được hạ thủy.

Sau ngót 10 tháng triển khai, ngày 4-6, tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, chiếc tàu đánh bắt xa bờ đầu tiên thực hiện theo Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ, vỏ composite, mang số hiệu KH - 95177 TS, được hạ thủy.


Con tàu thuộc sở hữu của ngư dân Dương Văn Quang, trú tại phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang; có chiều dài 21m, rộng trên 5m, lượng giãn nước hơn 70 tấn và công suất máy 405 CV. Ngư dân Dương Văn Quang được Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Nha Trang cho vay gần 5 tỷ đồng, thời hạn vay 11 năm để triển khai dự án đóng tàu.


Thực hiện NĐ 67 của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ đóng mới 160 tàu đánh bắt hải sản và 15 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến nay, do còn nhiều vướng mắc trong thực hiện, UBND tỉnh chỉ mới phê duyệt 20 chủ tàu cá có đủ điều kiện vay tổng số vốn 187 tỷ đồng từ các ngân hàng để đóng mới 15 tàu và nâng cấp 5 tàu.


Chỉ có một con tàu được giải ngân. Trong khi, NĐ 67 về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ ngày 25-8-2014. Tiến độ như vậy là quá chậm!


Dễ thấy, đây là chủ trương, chính sách lớn, đúng đắn và kịp thời, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai từ trung ương đến địa phương, chính sách này chậm đi vào cuộc sống, chưa đạt được mục tiêu đề ra.


Thực tế, nhiều địa phương hồ hởi đóng mới nhiều tàu vỏ thép, trong khi nhiều địa phương khác lại đang nghiêng về hướng đóng tàu vỏ gỗ hoặc vật liệu mới. Do điều kiện thực tiễn có khác nhau.


Có một số chi tiết thực hiện NĐ 67 gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, về bảo hiểm, tuy nhà nước hỗ trợ 100% bảo hiểm thuyền viên; hỗ trợ từ 70 đến 90% bảo hiểm thân tàu nhưng việc triển khai các chính sách bảo hiểm gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do việc thành lập lại các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển chưa được UBND cấp xã, phường ven biển triển khai quyết liệt. Còn ngư dân chỉ muốn tham gia bảo hiểm thuyền viên chứ không muốn tham gia bảo hiểm thân tàu, do chi phí khá lớn, trong khi giá trị mua bảo hiểm thấp hơn giá trị thực của con tàu.


Rõ ràng, cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các chính sách tín dụng; vay vốn lưu động; bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên; chính sách thuế, chi phí hỗ trợ đào tạo thuyền viên, chi phí thiết kế tàu vỏ thép… theo NĐ 67.


Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 5, các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định, tiến độ triển khai NĐ 67 vẫn còn chậm so với yêu cầu ; sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng còn nhiều hạn chế. Và, nếu chỉ giao cho ngành nông nghiệp với ngân hàng thì sẽ rất khó khăn. Cần có sự vào cuộc thật quyết liệt của cả hệ thống chính trị.


Thành công ở sự đồng lòng.


Chậm thực hiện NĐ 67 không chỉ gây thiệt thòi cho ngư dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác tài nguyên biển cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


PHONG NGUYÊN