Thời gian gần đây, vấn đề tiêu thụ nông sản đã trở thành đề tài "nóng" trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ chuyện quả dưa hấu ở miền Trung...
Thời gian gần đây, vấn đề tiêu thụ nông sản đã trở thành đề tài “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ chuyện quả dưa hấu ở miền Trung, củ hành tím ở miền Nam đến quả vải thiều ở miền Bắc... Tất cả đều cho thấy một thực trạng là việc tiêu thụ nông sản ở Việt Nam luôn đứng trước nhiều khó khăn, điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại khiến nông dân không hết lao đao.
Ở Khánh Hòa, từ Tết Nguyên đán đến nay, câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” cũng liên tục xảy ra tại các địa phương. Trước Tết là cây kiệu ở Cam Lâm, sau đó là cây hồ tiêu ở Khánh Sơn, cây tỏi, hạt muối ở Ninh Hòa, và bây giờ là cây xoài... Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, toàn huyện hiện có hơn 4.000ha xoài các loại, chủ yếu là xoài canh nông, số còn lại là xoài Úc, xoài Cát Hòa Lộc... Từ đầu năm 2015, các vườn xoài trên địa bàn huyện đã ra hoa rộ, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, thêm vào đó là nấm, bọ trĩ gây hại nên tỷ lệ xoài canh nông đậu quả rất thấp, giá bán chỉ 7.000 đồng/kg, trong khi xoài Úc giá lại khá cao (khoảng 45.000 đồng/kg). Điều đáng nói là khi xoài Úc được giá thì lẽ ra chúng ta phải mừng, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Bởi hiện nay đang xuất hiện một số thương lái Trung Quốc đến Cam Lâm, nhờ một số chủ vựa trái cây mua gom xoài Úc với số lượng lớn để xuất sang nước ngoài theo đường tiểu ngạch. Tình trạng này đã khiến nông dân đổ xô bán xoài Úc cho thương lái mà quên mất một người bạn đồng hành tin cậy của mình bao năm qua đó là nhà máy sản xuất, chế biến xoài Úc xuất khẩu trên địa bàn huyện. Hiện nhà máy này đang trong tình cảnh khó khăn do không đủ nguyên liệu để sản xuất (vì không cạnh tranh nổi với thương lái về giá cả). Câu chuyện này đang khiến nhiều người lo lắng, bởi một khi nhà máy bị đối tác nước ngoài cắt đơn hàng và thương lái Trung Quốc ngừng thu mua xoài, thì lúc đó chính nông dân sẽ là người chịu thiệt hại.
Câu chuyện “được mùa mất giá”, theo các chuyên gia có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và vùng nguyên liệu chưa được các cấp, ngành quan tâm một cách triệt để. Lâu nay người nông dân cứ thấy cây gì, con gì được giá là lập tức lao vào nuôi trồng, không nghĩ đến chế biến và gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong khi cơ quan chức năng lại không có quy hoạch hay định hướng, hoặc có quy hoạch nhưng lại không quản lý được, để người dân phá vỡ quy hoạch. Tâm lý nông dân thường chạy theo lợi nhuận, không nghĩ đến tính ổn định lâu dài (như chuyện trái xoài Úc ở Cam Lâm hiện nay).
Để thị trường nông sản thực sự phát triển bền vững, công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và vùng nguyên liệu cần đi trước một bước. Các doanh nghiệp cần đi tiên phong trong việc tiêu thụ nông sản kết hợp với đầu tư ứng trước cho nông dân về giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật tạo ra sản phẩm có chất lượng. Quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ cần đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại... Các cấp chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân.
Có như vậy, câu chuyện “được mùa mất giá” mới có cơ hội được giải quyết và không còn là nỗi ám ảnh của người nông dân mỗi khi bước vào mùa vụ.
Ngọc Khánh