Tình hình hạn hán ở các địa phương là vấn đề được đề cập đến nhiều nhất tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội quý I vừa qua. Theo đó, toàn tỉnh hiện có hơn 5.000ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do hạn hán.
Tình hình hạn hán ở các địa phương là vấn đề được đề cập đến nhiều nhất tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội quý I vừa qua. Theo đó, toàn tỉnh hiện có hơn 5.000ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do hạn hán. Trong đó, hơn 3.700ha đất trồng lúa. Hiện có hơn 2.900ha đang được bơm tưới chống hạn, hơn 100ha có khả năng bị thiếu nước do không có nguồn nước bổ sung, hơn 570ha không có nước tưới, 133ha lúa mất trắng. Tại huyện Khánh Sơn, dự báo trong 3 - 4 tháng tới mà trời không mưa, nước sông Tô Hạp sẽ cạn, cuộc sống của người dân sẽ vô cùng khó khăn.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị quản lý các công trình thủy lợi tập trung triển khai phương án phòng, chống hạn. Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trên cơ sở khả năng cân đối nguồn nước cần bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Trong đó, các vùng thường xuyên thiếu nước tưới cần xem xét chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hoặc không canh tác để đảm bảo hiệu quả sản xuất; thậm chí có thể dừng sản xuất lúa bởi đây là loại cây trồng tốn nhiều nước, trong khi cách tưới của chúng ta hiện nay khiến cây lúa chỉ hấp thu được 50% lượng nước, còn lại sẽ ngấm vào đất dẫn đến lãng phí nước.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nước cần được thực hiện ở cả 3 phương diện: Quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn. Trước mắt, cần chủ động tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, khơi thông dòng chảy, lắp đặt phương tiện lấy nước... để chủ động vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Về lâu dài, huyện Khánh Sơn đề nghị tỉnh và Trung ương nghiên cứu hỗ trợ hạt polime giữ ẩm cho địa phương. Bên cạnh đó, có kế hoạch xây dựng mới những hồ chứa có dung tích thích hợp, nâng cấp các công trình tưới tiêu nhằm chủ động nước tưới cho diện tích đất canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, một giải pháp phòng, chống hạn có hiệu quả lâu dài và bền vững là trồng rừng và bảo vệ rừng.
Theo đồng chí Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, để công tác phòng, chống hạn đạt hiệu quả, các địa phương nên phối hợp giữa chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác nhằm tăng cường nguồn lực xây dựng những công trình thủy lợi lớn, đặc biệt là các hồ chứa… để đảm bảo nước tưới ổn định và có nguồn nước chống hạn khi hạn hán xảy ra. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm, phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.
Ngọc Khánh