Gần 30 năm đổi mới, ngành công nghiệp của tỉnh đã có những bước tiến vững chắc, nhiều lĩnh vực thế mạnh của địa phương như: công nghiệp chế biến, đóng tàu... đã khẳng định được thương hiệu. Khánh Hòa luôn là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn so với mức trung bình chung của cả nước.
Gần 30 năm đổi mới, ngành công nghiệp của tỉnh đã có những bước tiến vững chắc, nhiều lĩnh vực thế mạnh của địa phương như: công nghiệp chế biến, đóng tàu... đã khẳng định được thương hiệu. Khánh Hòa luôn là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn so với mức trung bình chung của cả nước.
Những năm đầu đổi mới, toàn tỉnh chỉ có hơn 100 cơ sở công nghiệp quốc doanh. Địa phương tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Công nghiệp bộc lộ nhiều yếu kém; hàng năm, giá trị sản lượng chỉ đạt hơn 80% kế hoạch.
Kể từ khi tỉnh Khánh Hòa được tái lập (năm 1989), Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Mục tiêu chung của tỉnh là phát triển kinh tế chủ yếu trên cơ sở phát triển công nghiệp và dịch vụ. Do đó, đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Từ năm 1990 đến 2010, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực và phù hợp với mục tiêu phát triển đề ra. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 19,1% năm 1990 lên 41,3% năm 2010. Các cơ sở sản xuất công nghiệp được đầu tư trong giai đoạn 1991 - 2000 đã bắt đầu phát huy hiệu quả như: chế biến thủy sản đông lạnh, thuốc lá điếu, sửa chữa tàu biển... Tuy nhiên, cũng có một giai đoạn, ngành công nghiệp của tỉnh tăng chậm do tình hình kinh tế thế giới biến động, kinh tế trong nước gặp khó khăn, lạm phát tăng làm cho chi phí sản xuất tăng cao. Mặt khác, năng lực sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ lực dần bị bão hòa, trong khi năng lực đưa vào sản xuất mới rất ít...
Xác định được những khó khăn và thách thức, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm duy trì kinh tế phát triển ổn định. Việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế luôn chú trọng vào đầu tư khoa học - công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế; nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong một số loại hàng hóa, dịch vụ chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, kịp thời sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước để góp phần tăng năng suất lao động. Đặc biệt, công nghiệp và xây dựng giữ được mức tăng trưởng hợp lý, góp phần ổn định và phát triển kinh tế. Dự kiến, giai đoạn này, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng sẽ tăng bình quân 9,1%/năm, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hơn 10%/năm.
Hiện nay, tỉnh đang quan tâm triển khai thực hiện các đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có giá trị gia tăng cao; đôn đốc nhà đầu tư, các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số dự án công nghiệp lớn, trọng điểm tại khu vực phía Nam Vân Phong; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường vào sản xuất kinh doanh... nhằm tạo động lực phát triển công nghiệp trong thời gian tới.
ĐẠI HẢI