Chiều 20-5, ngư dân Dương Văn Quang, ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, chính thức ký hợp đồng với Vietcombank Chi nhánh Nha Trang vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Ông Quang được vay gần 5 tỷ đồng để đóng mới tàu cá công suất 405CV. Lãi suất 2%/năm; thời gian vay 11 năm.
Chiều 20-5, ngư dân Dương Văn Quang, ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, chính thức ký hợp đồng với Vietcombank Chi nhánh Nha Trang vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Ông Quang được vay gần 5 tỷ đồng để đóng mới tàu cá công suất 405CV. Lãi suất 2%/năm; thời gian vay 11 năm.
Đây là chủ tàu cá đầu tiên của Khánh Hòa được giải ngân thực hiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67.
Tại Hội nghị sơ kết 8 tháng triển khai Nghị định 67 hồi tháng 4-2015, các ban ngành, địa phương cả nước đều thống nhất đánh giá tiến độ thẩm định,làm thủ tục vay vốn, giải ngân hiện nay là rất chậm; chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Vướng mắc lớn nhất là vốn. Đóng tàu vỏ thép tốn hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh việc tìm hiểu, tiếp cận, làm thủ tục vay gần 5 tỷ đồng từ ngân hàng, ngư dân Dương Văn Quang đã phải vay mượn trên 500 triệu đồng làm vốn đối ứng cho con tàu. Không chỉ vậy, nghe ngân hàng tính ra mỗi năm phải trả hàng tỷ đồng, nhiều ngư dân thấy ngại.
Vướng mắc thứ hai là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã ban hành 21 mẫu tàu vỏ sắt. Nhưng, phần lớn ngư dân cho rằng, những mẫu tàu này chưa thực sự phù hợp yêu cầu thực tiễn sản xuất. Mà, không có hồ sơ thiết kế tàu, không thể làm thủ tục vay vốn được. Nếu chọn một trong số 21 mẫu tàu nói trên, ngư dân đỡ tốn tiền thiết kế. Ông Quang không chọn mẫu tàu cá vỏ thép mà đóng tàu vỏ composite. Vì vậy, ông đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để hoàn chỉnh hồ sơ gồm thiết kế tàu cá, hợp đồng giám sát kỹ thuật, hợp đồng đóng tàu... Không phải ngẫu nhiên mà ông Quang được nhiều người khen ngợi là một ngư dân “có gan” và chịu khó.
Nghị định 67 quy định nhiều loại chính sách. Nhưng, nhiều ngành, địa phương mới chỉ chú trọng chính sách vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá mà chưa thật sự quan tâm nhiều chính sách khác như phát triển cơ sở hạ tầng cảng cá; khu neo đậu tránh trú bão; hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm thân tàu; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; đào tạo đội ngũ khai thác xa bờ...
Đưa những chính sách lớn và đồng bộ như Nghị định 67 đi vào cuộc sống luôn là điều không hề dễ dàng. Cả hệ thống chính trị của chúng ta đã vào cuộc. Nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Xuất phát từ thực tiễn, một số nội dung Nghị định 67 sẽ được điều chỉnh, bổ sung.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ NN-PTNT chỉnh sửa, hoàn thiện các kiến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 67 để báo cáo Chính phủ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, trình Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường vốn cho hạ tầng nghề cá để hỗ trợ cho sản xuất, đánh bắt xa bờ của ngư dân, khuyến khích ngư dân đóng tàu cá xa bờ.
Tại buổi lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngư dân Dương Văn Quang với Vietcombank Nha Trang, đồng chí Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng hàng tháng phải báo cáo tiến độ thực hiện Nghị định 67; nêu được những khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết, tháo gỡ.
Đã quyết liệt, lại càng phải quyết liệt hơn. Để những “con tàu 67” đầy mơ ước ra khơi được thuận buồm xuôi gió.
PHONG NGUYÊN