11:05, 17/05/2015

Cải cách tư pháp

5 năm qua, thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp; tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp.

5 năm qua, thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp (CCTP), Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo CCTP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác CCTP; tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, đảm bảo tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan tư pháp.


Hàng năm, Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp; thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động cán bộ tư pháp đảm bảo các tiêu chí về phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các đơn vị liên quan còn phối hợp giải quyết dứt điểm một số vụ án, vụ việc tồn đọng, bức xúc, gây dư luận xã hội. Cấp ủy các cơ quan tư pháp tỉnh đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động của đơn vị mình. Ngành Tư pháp và cấp ủy địa phương đã có sự phối hợp khá đồng bộ trong việc giải quyết các vụ án phức tạp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.


Trong thời gian qua, Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo CCTP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan tư pháp tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp và các dự thảo văn bản luật quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác tư pháp, phù hợp với mục tiêu Chiến lược CCTP; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cơ quan tư pháp chú trọng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy cơ quan tư pháp; thực hiện tốt các định chế bổ trợ tư pháp... Hiện nay, toàn tỉnh có 9 tổ chức hành nghề công chứng. Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng được thực hiện thận trọng, theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ngoài ra, công tác quản lý luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư đạt được kết quả quan trọng. 26 tổ chức hành nghề luật sư được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, luật sư luôn được các cơ quan tư pháp tạo điều kiện để nghiên cứu hồ sơ và tham gia tranh tụng tại Tòa. Các hoạt động về giám định tư pháp, hỗ trợ tư pháp cũng được quan tâm...


Để nâng cao chất lượng hoạt động CCTP giai đoạn 2016 - 2020, thời gian tới, Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo CCTP tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các cấp ủy triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, chủ trương, nhiệm vụ CCTP cũng như tình hình hoạt động tư pháp và CCTP ở địa phương. Cơ quan tư pháp các cấp phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ và hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần; tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặt khác, cơ quan tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng công tác bổ trợ tư pháp, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.


ĐẠI HẢI