11:04, 23/04/2015

Sao khó vậy?

Cách đây 3 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 23 về việc phát triển đảng viên, đoàn viên và tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân.

Cách đây 3 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ra Chỉ thị số 23 về việc phát triển đảng viên, đoàn viên và tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp (DN) tư nhân.


Thực hiện Chỉ thị 23, đến nay, toàn tỉnh thành lập được 66 tổ chức đảng, phát triển gần 860 đảng viên trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên mới ở khối DN khu vực ngoài Nhà nước còn rất nhiều khó khăn, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều DN có đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ nhưng vẫn chưa vận động thành lập tổ chức cơ sở đảng được. Và, hiện ở 94 DN có 122 đảng viên đang làm việc nhưng chưa thành lập được tổ chức đảng.


Sao lại khó làm vậy?


Trước hết, DN do phải bươn chải để ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống của người lao động nên chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển đảng viên. Một số chủ DN còn e ngại trong việc phát triển đảng viên; phát triển đảng viên là chủ DN và thành lập tổ chức đảng trong DN.


Khi đã thành lập tổ chức cơ sở đảng rồi, công tác xây dựng đảng chưa được tập trung đúng mức; có xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng nhưng thực hiện hiệu quả còn thấp; việc thực hiện sinh hoạt cấp ủy, chi bộ chưa đều; công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời; thậm chí, trong một số DN tư nhân, vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng còn hình thức.


Về phía người lao động, do công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thực sự tới nơi tới chốn nên nhận thức về Đảng, về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng còn rất hạn chế. Thậm chí, khi được hỏi chuyện về hướng phấn đấu, về nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhiều người lao động nói rất hồn nhiên: “Làm Nhà nước mới vô Đảng, mình làm tư nhân vô Đảng làm gì?”. Rõ ràng, ở đây, từ sâu thẳm trong tư tưởng, tình cảm của người lao động, tổ chức đảng, đảng viên chỉ dành cho những người làm việc ở khu vực Nhà nước. Chính vì vậy, đại đa số người lao động ở khu vực ngoài Nhà nước chưa thật sự có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng.


Từ thực tế đó, cần sớm thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại DN thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm tạo môi trường thuận lợi nâng cao nhận thức người lao động về tổ chức đảng, về quyền lợi chính trị và nghĩa vụ cụ thể của đảng viên. Cạnh đó, nên có cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ để hoàn thiện tổ chức; nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức đảng trong các DN tư nhân. Mặt khác, phải chú trọng xây dựng các mô hình mẫu về sinh hoạt Đảng; nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt...; nhanh chóng đổi mới công tác kết nạp đảng viên, đơn cử như rút ngắn thời gian chương trình đối với các lớp bồi dưỡng kết nạp đảng viên, bồi dưỡng đảng viên mới dành cho đối tượng thuộc các DN khu vực ngoài Nhà nước...


Thực tiễn cho thấy, việc phát triển đảng trong các DN tư nhân, nhất là các DN tư nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề rất khó khăn, đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị.


Năm 2015, Khánh Hòa phấn đấu kết nạp 1.000 đảng viên mới trong DN ngoài khu vực Nhà nước. Làm được điều này không phải dễ.


PHONG NGUYÊN