06:11, 07/11/2014

Tăng nguồn vốn

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn năm 2014 ước đạt 22.683 tỷ đồng, bằng 94,5% kế hoạch và chỉ tăng 6,7% so với năm 2013. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, năm 2014 phải thực hiện tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 11%.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn năm 2014 ước đạt 22.683 tỷ đồng, bằng 94,5% kế hoạch và chỉ tăng 6,7% so với năm 2013. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, năm 2014 phải thực hiện tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 11%.


Có một số lý giải cho rằng, sở dĩ như vậy là do có nhiều nhà đầu tư được cấp chứng nhận đầu tư nhưng triển khai dự án chậm vì thiếu năng lực tài chính. Điều ấy đúng. Nhưng chỉ đúng một phần.

Về lý thuyết, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là toàn bộ tiền vốn bỏ ra để làm tăng hoặc duy trì năng lực sản xuất và nguồn lực để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của toàn xã hội trong một thời kỳ nhất định. Đây được coi là một trong các yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng kinh tế, ổn định và phát triển xã hội, bảo vệ, cải thiện môi trường. Và, nó còn được dùng để tính một số chỉ tiêu thống kê quan trọng khác như tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…


Nội hàm của vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bao gồm các nội dung vốn đầu tư tạo ra tài sản cố định; vốn đầu tư làm tăng tài sản lưu động và vốn đầu tư phát triển khác. Và, chúng được cấu thành từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước thường đầu tư thực hiện qua các dự án, công trình và các chương trình mục tiêu; các nguồn vốn khác thường thông qua các dự án, công trình đầu tư cho cơ sở sản xuất kinh doanh…


Trở lại vấn đề, trong bối cảnh khó khăn chung, Khánh Hòa thực hiện thu hút đầu tư phát triển toàn xã hội ở mức 38,36% GDP là cao hơn mức chung của cả nước. Bởi, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP của cả nước năm 2014 ở mức 30,1%. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại con số tổng mức đầu tư thấp như vậy phản ánh thực trạng nguồn lực cho phát triển có thể đang cạn kiệt. Ngoài ra, còn có một số ý kiến cho rằng, chúng ta còn nặng mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát; chưa có giải pháp phù hợp đảm bảo tăng trưởng hợp lý.


Năm 2014, Khánh Hòa thực hiện thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 22.683 tỷ đồng, chiếm 38,36% GDP. Theo dự kiến, năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 28.100 tỷ đồng, tăng 23,8%, chiếm 41,4% GDP. Nếu hoàn thành được chỉ tiêu năm 2015, Khánh Hòa sẽ hoàn thành được chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 được đặt ra là 110.000 tỷ đồng, chiếm từ 40% GDP trở lên. Do vậy, nhiệm vụ thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2015 của Khánh Hòa là rất nặng.


Để hoàn thành được nhiệm vụ đó, có lẽ, bên cạnh việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2010, Khánh Hòa cần lấy những giải pháp cho năm 2015 của Chính phủ nêu trước Quốc hội làm kim chỉ nam: Tăng cường huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đa dạng hóa các kênh huy động vốn, các hình thức đầu tư; xây dựng cơ chế phù hợp để tăng tính khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.


PHONG NGUYÊN